Dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: Nhiều thiếu sót trong tính toán tổng mức đầu tư, quản lý chi phí

(BKTO) - Qua thực tiễn kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, KTNN đánh giá, Dự án sau khi đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng được mục tiêu đầu tư, đáp ứng được yêu cầu phục vụ hành khách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập của chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (trong bài viết tắt là TCT) trong quản lý chi phí đầu tư Dự án.



Tính toán tổng mức đầu tư chưa chuẩn

Dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đầu tư xây dựng nhằm đồng bộ với các hạng mục của sân bay quốc tế mới đang xây dựng, thực hiện Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Quy mô đầu tư Dự án gồm: nhà ga 2 tầng, hệ thống đường tầng cho 3 làn xe và các công trình phụ trợ; khi đưa vào khai thác sẽ đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách theo dự báo vào năm 2020 là 2,648 triệu hành khách/năm (1,559 triệu hành khách trong nước và 1,059 triệu hành khách quốc tế) với số lượng hành khách giờ cao điểm là 1.325 hành khách, với các loại máy bay A321, A320 và ATR72.

Theo Quyết định phê duyệt Dự án điều chỉnh số 708A/QĐ-HĐTV ngày 31/8/2012 của Hội đồng thành viên TCT (điều chỉnh gần nhất), tổng mức đầu tư của Dự án là 2.018,2 tỷ đồng. Kế hoạch khởi công Dự án là tháng 5/2009 và hoàn thành tháng 7/2012, nhưng thực tế Dự án được khởi công vào tháng 3/2010 và hoàn thành tháng 11/2012 (theo biên bản nghiệm thu hoàn thành). KTNN đánh giá, chủ đầu tư đã nỗ lực xử lý các tình huống phát sinh để kịp thời đưa Dự án vào vận hành, khai thác. Tuy nhiên, Dự án vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch hơn 4 tháng, nguyên nhân do thời gian khởi công thực tế chậm hơn kế hoạch 9 tháng (chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm).

Qua kiểm toán, KTNN cho rằng, Dự án được lập phù hợp quy hoạch được duyệt, quy mô đầu tư và thực hiện đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Trình tự lập, thẩm định và phê duyệt Dự án cơ bản tuân thủ quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, đơn vị đã thực hiện ký Hợp đồng Tư vấn khảo sát, lập Dự án đầu tư xây dựng trước khi có quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền là Bộ Xây dựng. Chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt Dự án còn hạn chế nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 442 tỷ đồng (tăng 28% so với tổng mức đầu tư ban đầu). Nguyên nhân chủ yếu do tổng mức đầu tư đã phê duyệt được khái toán trên cơ sở suất đầu tư của Dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, trong khi việc tính toán suất đầu tư chỉ mang tính tương đối trên cơ sở công trình có quy mô tương tự, do đó dẫn tới một số chi phí chưa được tính đến hoặc tính thiếu trong khái toán. KTNN đã xác định chi tiết một số khoản chênh lệch: tăng 235 tỷ đồng do chi phí xây dựng toàn bộ hệ thống thiết bị nhà ga (Gói thầu số 9) chưa tính đủ trong khái toán tổng mức đầu tư; khái toán chi phí thiết bị trong tổng mức đầu tư mới chỉ tính chi phí xây dựng phần thiết bị là 20% giá trị thiết bị, theo dự toán điều chỉnh chi phí này tương đương 100% giá trị thiết bị của Dự án; tăng 70 tỷ đồng do chi phí xây dựng phần phát quang và dọn dẹp mặt bằng toàn bộ khu vực Nhà ga và đường vào, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ chưa được tính đến trong khái toán tổng mức đầu tư…

Quản lý chi phí đầu tưcòn bất cập, hạn chế

Do công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán phát sinh, điều chỉnh giá hợp đồng chậm đã ảnh hưởng đến việc ký kết các phụ lục hợp đồng, thanh toán, quyết toán công trình. Dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 11/2012 nhưng đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để phê duyệt các dự toán phát sinh khối lượng (Gói thầu số 7, số 9), dự toán điều chỉnh giá hợp đồng (Gói thầu số 4c, số 6).

Qua kiểm toán nguồn vốn đầu tư thực hiện Dự án đến thời điểm 24/11/2016, TCT báo cáo tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn Đầu tư phát triển của TCT là 1.559,2 tỷ đồng, KTNN xác nhận vốn đầu tư thực hiện Dự án là 1,559,2 tỷ đồng, chênh lệch 0 đồng. Tuy nhiên, về chi phí đầu tư thực hiện Dự án đến ngày 24/11/2016, số liệu báo cáo của TCT là 1.522,7 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán là 1.521,1 tỷ đồng, giá trị được kiểm toán xác nhận là 1.509,5 tỷ đồng, chênh lệch hơn 11,5 tỷ đồng. Do đó, KTNN kiến nghị TCT phải xử lý khoản chênh lệch này, trong đó: thu hồi về Quỹ Đầu tư phát triển của TCT hơn 4,2 tỷ đồng; giảm thanh toán hơn 3,5 tỷ đồng và xử lý khác hơn 3,8 tỷ đồng.

Trong quản lý chi phí đầu tư Dự án, KTNN nêu rõ, công tác lập hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành còn chậm, chưa kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục ký phụ lục điều chỉnh giá trị hợp đồng đối với giá trị khối lượng phát sinh dẫn đến thanh toán vượt giá trị hợp đồng; thanh toán, tạm ứng vượt giá trị khối lượng được nghiệm thu; không giữ lại tiền chờ quyết toán theo quy định của hợp đồng; chưa kịp thời thu hồi khoản tạm ứng, tạm thanh toán khi khối lượng thực hiện đã đạt trên 80% giá trị hợp đồng. Đặc biệt, đối với Gói thầu số 9, chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu hơn 335,4 tỷ đồng, tương đương 96,4% giá trị hợp đồng, công trình đưa vào sử dụng 4 năm nhưng nhà thầu chưa hoàn thành hồ sơ thanh toán, hoàn ứng và chủ đầu tư chưa thu hồi giá trị tạm ứng 65 tỷ đồng…

Đồng thời, công tác quyết toán hợp đồng và quyết toán Dự án hoàn thành cũng còn hạn chế. Đến thời điểm kiểm toán, vẫn còn 6 gói thầu với giá trị nghiệm thu 1.184 tỷ đồng (tương đương 77,91% giá trị khối lượng nghiệm thu toàn Dự án) chưa lập quyết toán hợp đồng theo quy định. Theo giải trình của đơn vị, nguyên nhân là do một số nhà thầu chậm hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán nên chủ đầu tư không có cơ sở để quyết toán. KTNN cũng chỉ ra rằng chủ đầu tư đã chậm lập Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành 36 tháng so với thời hạn quy định tại Điều 22 Thông tư số 09/2016 ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.

Do đó, cùng với các kiến nghị xử lý tài chính nêu trên, KTNN còn kiến nghị chủ đầu tư phải thu hồi giá trị tạm ứng 65 tỷ đồng do nhà thầu chưa hoàn thành thủ tục thanh toán, hoàn ứng; thu hồi các khoản thanh toán vượt giá trị nghiệm thu 17,6 tỷ đồng; thu hồi các khoản thanh toán vượt theo quy định của hợp đồng 6 tỷ đồng; thu hồi các khoản giữ lại chờ phê duyệt quyết toán 2,8 tỷ đồng… KTNN cũng đưa ra các kiến nghị nhằm chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể và cá nhân liên quan đến các hạn chế, thiếu sót trong quản lý chi phí đầu tư Dự án.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019
Cùng chuyên mục
Dự án Nhà ga hành khách - Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: Nhiều thiếu sót trong tính toán tổng mức đầu tư, quản lý chi phí