Dự án sân bay Long Thành: Liệu con số tổng mức đầu tư có "đóng đinh" như ban đầu?

(BKTO) - Sáng 12/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.



Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu lo ngại, liệu Dự án sân bay Long Thành có gặp tình trạng tăng tổng mức đầu tư và đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động của khoản vay để đầu tư sân bay đến trần nợ công...
                
   

Phối cảnh nội thất của nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành.

   
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn tác động khoản vay để đầu tư sân bay Long Thành đến trần nợ công. Bởi lẽ, tờ trình nêu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng từ 21 cảng, song thực tế đến nay mới chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ bù chi và có lãi, tức là vẫn phải bù lỗ, khó có thể góp vốn cho ACV trong tương lai gần. Chưa kể, báo cáo tiền khả thi vốn đầu tư cảng Long Thành là 16 tỷ USD, giai đoạn 1 là 4,79 tỷ USD, nhưng hiện chưa có khái toán là bao nhiêu.

Hơn nữa, số vốn dự kiến gần 5 tỷ USD thì có thể huy động được, nhưng với 11 tỷ USD cho giai đoạn tiếp theo thì khả năng huy động vốn thế nào cũng cần được làm rõ…

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bạc Liêu) nêu băn khoăn: Chúng ta đã tính toán rất kỹ nhưng liệu có đảm bảo khả năng các con số “đóng đinh” trên giấy tờ như hiện nay hay không?

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM), đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng nếu làm không tốt nó sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu”.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị phải đề cao trách nhiệm và sự thận trọng trong việc đầu tư Dự án này. Đại biểu cũng tán thành chủ trương giao Dự án cho các nhà đầu tư trong nước nhưng phải có chính sách quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý nguồn vốn, không để các nhóm lợi ích, nhóm sân sau chi phối...

Phát biểu giải trình vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: Sẽ không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2. Bởi lẽ, khi sân bay này hoàn thành, có thể đạt ngay 20-25 triệu khách/năm. Đến năm 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Trong khi đó, những sân bay khác như Cần Thơ sau 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu tiên cũng rất thấp. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm.

Về tổng mức đầu tư Dự án, Bộ trưởng cho biết, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập. Bộ sẽ cố gắng rà soát để đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác.

Về năng lực của ACV, theo Bộ trưởng, DN này đang có khoảng 25.000 tỷ đồng “nhàn rỗi”. Trong giai đoạn từ 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo kế hoạch, đến năm 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư dự án. Phần vốn còn lại, ACV đã ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cam kết sẽ cố gắng tối đa và tăng cường kiểm tra, giám sát để Dự án được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

MINH ANH
Cùng chuyên mục
Dự án sân bay Long Thành: Liệu con số tổng mức đầu tư có "đóng đinh" như ban đầu?