Theo Báo cáo, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số người thất nghiệp, không có việc làm gia tăng. Việc làm và thời giờ làm việc giảm kéo theo sự sụt giảm mạnh về thu nhập từ lao động, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về tỷ lệ nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo được dự báo sẽ gia tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh. |
So với năm 2019, giờ đây đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực (nghĩa là họ và gia đình họ sống với mức thu nhập tương đương thấp hơn 3,2 đô la Mỹ mỗi ngày). Theo báo cáo, "những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát". Điều này cũng khiến việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc về xóa nghèo trước năm 2030 càng khó khả thi hơn.
Tương tự, tại Việt Nam, những tác động của dịch bệnh Covid-19 đang để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Chỉ tính riêng trong quý I/2021, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó 540 nghìn người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Dù chưa có thống kê chính thức, song số hộ nghèo tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng 2,5 triệu hộ với 10 triệu khẩu.
Theo chuẩn nghèo mới, ước tính tỷ lệ nghèo tại các địa phương đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cuối năm 2020. Nhiều hộ dù ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn khó khăn như trước và không được tiếp tục nhận ưu đãi hỗ trợ để thoát nghèo thực sự. Những dự báo này chưa bao gồm đánh giá tình trạng nghèo, do tác động của đại dịch Covid-19.
NGUYỄN LỘC