IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023
Nhà kinh tế trưởng của IMF - Pierre-Olivier Gourinchas phát biểu tại cuộc họp báo công bố triển vọng kinh tế thế giới - Nguồn: News |
Ngày 11/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái."
Theo IMF, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Nguyên nhân là lãi suất tăng làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.
Tuy nhiên, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Điều này phản ánh sản lượng cao hơn dự báo ở châu Âu song hoạt động kinh tế yếu kém ở Mỹ. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm % so với dự báo trước, phản ánh tăng trưởng GDP trong quý 2 của Mỹ giảm ngoài dự báo. IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2023 là 1%, không thay đổi so với dự báo trước.
Theo IMF, suy giảm kinh tế của các nước thuộc Eurozone dự báo sẽ mạnh thêm vào năm tới, trong đó Đức và Italy được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Trong khi đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 và 2023 do các biện pháp phòng chống COVID-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7 và tăng 4,4% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước. Kinh tế Trung Quốc đã tăng 8,1% năm 2021.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong bối cảnh lãi suất tăng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết chặt chính sách tiền tệ, và xuất khẩu giảm do tình hình kinh tế tại các đối tác thương mại chính của khu vực này, trong đó có Mỹ. IMF dự báo các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm % và 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 7, sau mức tăng 7,2% năm 2021.
Theo báo cáo của IMF, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan thuộc ASEAN, dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực Eurozone và Mỹ. Theo IMF, các nền kinh tế ASEAN sẽ ghi nhận tăng trưởng chịu tác động của giá lương thực và năng lượng cao hơn - nguyên nhân làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Theo IMF, tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.
Tâm lý "đè nặng" thị trường chứng khoán
Hầu hết thị trường chứng khoán thế giới đều giảm điểm sau dự báo của IMF - Nguồn: Reuters |
Những dự báo của IMF ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới khi hầu hết các thị trường đều đi xuống trong phiên 11/10.
Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 sụt mất 0,7% xuống 3.588,84 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,1% và khép phiên ở mức 10.426,19 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,1%, lên 29.239,19 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu không tránh được xu hướng suy giảm. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,1% xuống 6.885,23 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,4% xuống 12.220,25 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,1% xuống 5.833,20 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,5% xuống 3.340,35 điểm.
Yếu tố tác động nhiều tới thị trường trong phiên này đến từ báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF. Tuy nhiên,tâm trạng thị trường cũng trở nên u ám vì các lệnh phong tỏa mới của Trung Quốc liên quan đến dịch COVID-19 và những biến động trên thị trường tài chính Anh.
Với trọng tâm đặt vào lạm phát, các nhà phân tích cho biết báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (dự kiến được công bố vào cuối tuần này) sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với định hướng của các thị trường tài sản rủi ro. Một đợt số liệu lớn khác có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo chứng khoán mới và đẩy đồng USD tăng vọt.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết ngày càng có nhiều sự bi quan trên thị trường. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho giai đoạn nhiều biến động hơn, khi các số liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ sẽ được công bố trong tuần này và thời điểm bắt đầu mùa báo cáo thu nhập sắp tới.