Đây là yêu cầu của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn cấp cao “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, do Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức vào ngày 11/10, tại Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trungương phát biểu tại Diễnđàn.Ảnh: Ban Kinh tế Trungương |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia.
Trong bối cảnh đó, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn kết chặt chẽ với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Theo đó, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu phải ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế, trong đó có ngành ngân hàng.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Do đó, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định ngành ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Theo đó, ông Trần Tuấn Anh đánh giá, trong thời gian qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành ngân hàng cũng là một trong số ít các ngành tiên phong, chủ động tham gia có hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Nhấn mạnh yêu cầu ngành ngân hàng cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị, toàn ngành ngân hàng cần thể hiện quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số.
Trong đó, chuyển đổi số ngành ngân hàng cần phải đặt trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và gắn với đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng cần gắn với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cùng với yêu cầu xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.../.
DIỆU THIỆN