Dự phòng thí sinh ảo, nhiều trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu

(BKTO) – Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2021, nhiều trường đã công bố danh sách trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép với lí do để dự phòng khi một lượng thí sinh trúng tuyển không nhập học. Trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng cảnh báo các trường cần lưu ý để tránh vi phạm quy định về tuyển sinh, gây bất bình đẳng giữa các trường.



Nhiều trường công bố thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu

Theo danh sách trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông được các trường gửi về Bộ GD&ĐT, nhiều trường có số lượng tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép, dù đây chưa phải là số lượng tuyển sinh cuối cùng của trường. Cụ thể, một số ngành của Trường Đại học Công đoàn có số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh.

Với ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu; ngành Xã hội học là 405/200, vượt hơn 100%. Các ngành như: Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%, các ngành khác thấp hơn, nhưng có thể thấy 100% các ngành của Trường Đại học Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.

Tương tự, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh lấy số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh trong đề án tuyển sinh. Cụ thể, ngành quản trị kinh doanh gọi đến 943 thí sinh trúng tuyển, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ngành này là 60, nghĩa là vượt gấp khoảng 16 lần so với chỉ tiêu. Tương tự, ngành công nghệ thông tin có số thí sinh trúng tuyển cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu; ngành quản lý đất đai là 4,6 lần.
                
   

Nhiều trường gọi thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vượt nhiều so với chỉ tiêu được duyệt. Ảnh: N.LỘC

   

Trường Đại học Đà Lạt có 22/41 ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu nhiều lần: ngành Sư phạm lịch sử cao gấp 6,5 lần chỉ tiêu; ngành Sư phạm hóa học là 6,1 lần; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 5,95 lần, ngành Quản trị kinh doanh 5,05 lần, ngành Luật 4,38 lần...

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu là biện pháp trừ hao mà trường nào cũng áp dụng để tránh thí sinh ảo. Tuy nhiên, gọi vượt bao nhiêu để vừa đủ là một bài toán khó.

Bởi lẽ, nếu gọi vượt quá nhiều, thí sinh nhập học đầy đủ thì trường vi phạm quy định tuyển vượt chỉ tiêu cho phép sẽ bị xử lý theo chế tài. Ngược lại, nếu không khéo tính toán, thí sinh nhập học ít thì sẽ tuyển thiếu chỉ tiêu ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của trường. Tuy nhiên, với việc một số trường gọi nhập học cao gấp nhiều lần chỉ tiêu được duyệt, các chuyên gia đều cho rằng đây là hiện tượng bất thường mà Bộ GD&ĐT cần giám sát, mặc dù số lượng này chưa phải là kết quả tuyển sinh cuối cùng của các trường theo quy định.

Tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến người học

Bộ GD&ĐT lý giải việc một số trường đại học lấy danh sách trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu là để dự phòng trường hợp thí sinh không nhập học. Vấn đề này cũng không thuộc trường hợp cấm trong quy chế tuyển sinh, nhất là khi các trường vẫn đang trong thời gian tuyển sinh bổ sung, nhưng cũng cần được các trường lưu ý.

Trước ý kiến cho rằng việc lọc ảo thiếu hiệu quả, nên các trường phải có giải pháp dự phòng này, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT cho biết, phần mềm lọc ảo giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo” và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng vào một ngành của một trường ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh lựa chọn, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo”, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.

Nhằm tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn, làm ảnh hưởng quyền lợi của các thí sinh, các trường nếu chưa có đủ thông tin chắc chắn sẽ không nhập thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác lên hệ thống để loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển trước khi lọc ảo.

Bộ GD&ĐT cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thí sinh ảo. Vì vậy, các trường phải cân nhắc quyết định để tăng thêm số thí sinh khi xác định điểm trúng tuyển và số lượng trúng tuyển.

Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.

"Các trường có thể làm những gì quy định không cấm. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm nếu các trường tuyển vượt so với chỉ tiêu được giao" – bà Thủy nhấn mạnh.
                
   

Việc các trường tuyển vượt chỉ tiêu có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Còn theo luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, không chỉ vi phạm quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là tuyển sinh đại học theo Luật Giáo dục đại học, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường.Tình trạng này có thể dẫn đến hệ lụy là nhà trường không đảm bảo điều kiện để giảng dạy với chất lượng tốt nhất. Nghiêm trọng hơn là có thể khiến một bộ phận sinh viên không thể được cấp bằng do không nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh cho phép."Ngay cả khi đây chưa phải là kết quả tuyển sinh cuối cùng, thì việc các trường gọi thí sinh trúng tuyển vượt nhiều lần như vậy cũng sẽ gây rối cho công tác tuyển sinh của các trường” - luật sư Nguyễn Đức Anh cho biết.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 cơ bản giữ ổn định như năm 2021
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa thông tin về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Theo đó, kỳ thi được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
  • Việt Nam tích cực tham gia, thúc đẩy Chiến lược hợp tác an ninh mạng khu vực ASEAN
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiều 06/10, Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn tham dự Lễ khai mạc và Phiên toàn thể Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về an ninh mạng lần thứ 6 (AMCC-6). Tuần lễ An ninh mạng quốc tế (SICW-6) và Hội nghị AMCC-6 được tổ chức từ ngày 04/10 đến ngày 08/10/2021 theo hình thức trực tuyến với đầu cầu Singapore.
  • Tích hợp tiện ích Căn cước công dân vào phòng, chống dịch Covid-19
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đang triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, phục vụ người dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, đồng thời mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
  • Đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động, người dân ngoài biển đảo
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tuy hoạt động ngoài biển đảo, nhưng nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tại các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh vẫn kiên trì, bền bỉ làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, người dân, cũng như ngày càng phát triển thêm được nhiều đối tượng tham gia BHXH.
  • Ngày 9/10, Đường sách TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Sau hơn 4 tháng tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Đường sách TP. Hồ Chí Minh sắp chính thức mở cửa trở lại để phục vụ bạn đọc, nhân dân.
Dự phòng thí sinh ảo, nhiều trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu