Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có cơ chế cụ thể để bảo vệ khách hàng

(BKTO) - Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ ràng, cụ thể cơ chế để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng (TCTD)…

202311231525394836_nguyen-hoang-bao-tran-binh-duong.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Khách hàng thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp

Phát biểu góp ý về Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) chỉ rõ, thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các TCTD nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Theo đại biểu, thực tế, có tình trạng các TCTD sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin về lãi suất, mức phí, mức lãi phạt, loại hình, mục đích sản phẩm.

Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi, quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.

Có tình trạng khách hàng, nhất là các khách hàng lớn tuổi đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng được tư vấn mua hợp đồng bảo hiểm, mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại cung cấp hợp đồng, cấp tín dụng cho khách hàng kèm hợp đồng bảo hiểm và xem đây là điều kiện để giải ngân.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa có chế định, cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định, cơ chế để bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể; trong đó cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các TCTD.

Theo đó, ngoài các quy định tại Điều 10, Dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định. Một là, ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh từ hành vi của nhân viên đại diện cho ngân hàng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chức năng về hoạt động của ngân hàng.

Hai là, hợp đồng tín dụng, hợp đồng dịch vụ tài chính cần được chuẩn hóa theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng hoặc theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó quy định rõ các vấn đề quan trọng như: lãi suất, mức phí, lãi phạt, các biện pháp chế tài đảm bảo.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc ứng xử trong các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên các nguyên tắc: công bằng, trung thực và đạo đức.

Cũng cần có một cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm giải quyết các vụ việc tranh chấp, phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng; tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong mối quan hệ giữa khách hàng với các TCTD thì hầu hết trường hợp khách hàng đều ở góc độ yếu thế, kể cả về kiến thức cũng như về các điều kiện khác. Đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần thiết kế quy định phù hợp để có cơ chế bảo về quyền lợi của người yếu thế.

Xử lý nghiêm nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm

Đề cập đến quy định ngân hàng làm đại lý bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh chỉ rõ, việc để cho ngân hàng làm đại lý bảo hiểm, về lý luận sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích và thực tiễn đã chứng minh điều này.

202311231625131834_pham-van-thinh-bac-giang.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Với mức chiết khấu từ 70-80% cho doanh thu phí bảo hiểm 2 năm đầu đối với bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và hỗn hợp là mức rất hấp dẫn, rất khó có thể cưỡng lại và việc kiểm soát rất khó khăn” - đại biểu nói, đồng thời cho rằng, bên cạnh việc là đại lý phát hành chứng khoán hoặc các sản phẩm khác, cần hết sức cân nhắc quy định ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Vấn đề này Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến chỉ đạo và cũng đã được Kiểm toán nhà nước cũng như Bộ Tài chính chỉ ra.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định: Không cho phép các TCTD liên kết với các công ty bảo hiểm để giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm, giống như trường hợp Manulife vừa qua gây bức xúc cho khách hàng.

“Nếu cho phép liên kết, ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới khi có sự cố xảy ra với khách hàng. Như vụ việc xảy ra vừa qua, người dân đến khiếu nại, ngân hàng trả lời không biết và không có trách nhiệm, người môi giới thì ngân hàng đã cho nghỉ việc. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải có sự quan tâm nhiều hơn của Ngân hàng Nhà nước” - đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần luật hóa, xử lý các hành vi vi phạm đối với nhân viên của các TCTD “ép” người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời gian vừa qua.

“Dự thảo Luật cần có các quy định xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm này, bảo đảm an toàn tín dụng và bền vững an ninh tiền tệ của quốc gia” - đại biểu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng: Cần có cơ chế cụ thể để bảo vệ khách hàng