Các cơ sở đào tạo ngành nghề kế toán - kiểm toán phải chuyển mình về mặt công nghệ - Ảnhminh họa
Tích hợp công nghệ vào chương trình đào tạo - yêu cầu tất yếu
Theo GS. Jacqueline Birt - Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Kế toán Australia và New Zealand, Trưởng khoa Tài chính Kế toán Đại học Tây Australia, kế toán - kiểm toán tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác nhau, vì vậy, công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động chất lượng cao này. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để các cơ sở đào tạo chuyển đổi phương thức giảng dạy. Đồng thời, đó cũng là chất xúc tác để đẩy nhanh xu hướng công nghệ, chuyển đổi số trong các nhà trường.
Theo nghiên cứu “Công việc trong tương lai” của Trường Đại học Kent State (Hoa Kỳ), nhu cầu về kế toán, kiểm toán theo phương thức truyền thống sẽ giảm mạnh. Ngược lại, các DN sẽ cần lực lượng kế toán - kiểm toán am hiểu về phân tích dữ liệu, công nghệ mới nổi, kỹ năng tư duy phản biện, AI, Big Data, Blockchain… Vì vậy, đây là thời điểm để các trường đổi mới chương trình đào tạo, tích hợp công nghệ mới vào chương trình giảng dạy để nắm bắt xu thế, đón đầu tương lai.
Thực tế cũng cho thấy, các cơ sở đào tạo đã bắt buộc phải chuyển mình về mặt công nghệ, sử dụng công nghệ theo nhiều cách thức khác với trước đây như: tổ chức học trực tuyến, áp dụng công nghệ trong giảng dạy… “Các cơ sở đào tạo không chỉ dạy cho sinh viên về công nghệ mà còn phải truyền cảm hứng đến sinh viên về công nghệ và sử dụng công nghệ” - GS. Jacqueline Birt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ThS. Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam - cho rằng: Sớm hay muộn thì nghề kế toán - kiểm toán cũng phải thay đổi và công nghệ phải là yếu tố được chú trọng. Trong tương lai, dưới sự hỗ trợ của công nghệ, các DN mong muốn có được những người làm kế toán, kiểm toán có nhiều kiến thức tổng quát, nắm bắt được xu thế phát triển về công nghệ; có kỹ năng phân tích; cập nhật các chuẩn mực mới của kế toán - kiểm toán; phân tích được ảnh hưởng của xu thế tới DN và người tiêu dùng; phát huy cả vai trò phân tích kinh doanh, tư vấn chiến lược...
3 giai đoạn tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy
Chia sẻ kinh nghiệm từ các trường đại học Australia, GS. Jacqueline Birt cho biết: Việc tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy kế toán cần được thực hiện theo 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1 - tiếp cận đa dạng trong việc giảng dạy: Các cơ sở giáo dục đại học của Australia đã có sự thay đổi đáng kể trong 2 năm qua với nhiều khóa học mới và các khóa học độc lập về phân tích kinh doanh, hệ thống thông tin kế toán... Với các khóa học độc lập, các trường về kế toán có thể tự xây dựng chương trình riêng và các trường/khoa khác như: công nghệ thông tin, kinh tế, quản lý, tài chính… có thể kết hợp thuê giáo viên bên ngoài giảng dạy. Các chủ đề cụ thể đang được giảng dạy gồm: Excel, phần mềm kế toán MYOB, XERO, Tableau, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Blockchain, công cụ kỹ thuật số, người máy và trí tuệ nhân tạo…
Giai đoạn 2 - thực hiện khảo sát để xác định các nhu cầu cụ thể của sinh viên và cách thức đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm tích hợp các kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Giai đoạn này, các trường sẽ phải giải quyết các vấn đề: thiết kế khóa học mới mà không ảnh hưởng đến chủ đề chính đang được giảng dạy; xác định những kỹ năng cần tích hợp dựa trên những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và yêu cầu của DN; nâng cao kỹ năng của giảng viên trong việc giảng dạy và đánh giá các kỹ năng ICT khác nhau; các vấn đề về tài chính, thời gian, cơ sở hạ tầng, quy trình đánh giá các môn học…
Giai đoạn 3 - tập hợp các chuyên gia, nhà nghiên cứu, DN cùng nghiên cứu về công nghệ và giới thiệu về các công nghệ mới để sinh viên mới tốt nghiệp có thể tiếp cận với các công nghệ này tại nơi làm việc và hiểu được tiềm năng của chúng. Các chuyên gia có thể nghiên cứu và sáng tạo một chương trình giảng dạy kế toán mới với các kỹ năng về kỹ thuật số, đảm bảo sự nhanh nhẹn, khả năng phục hồi và thích ứng. Điều này sẽ giúp cho việc sinh viên khi ra trường có hiểu biết vững chắc về các loại công nghệ khác nhau ở cấp độ cơ bản.
Để đưa các kỹ năng về công nghệ vào chương trình kế toán thành công, trường đại học phải xác định các kỹ năng này cần được thực hiện trong suốt chương trình học; cung cấp các nghiên cứu chuyên sâu hơn về thiết kế hệ thống và phần mềm như: Tableau, Excel và Power BI; phải có giảng viên phù hợp với các khóa học này; xây dựng các khóa học trực tuyến và làm việc với các cơ quan chuyên môn về việc cung cấp nội dung liên quan đến ICT. Các chương trình đào tạo cần một giáo trình sáng tạo với nguồn lực từ các cơ quan chuyên môn, các nhà cung cấp phần mềm, các trang web liên kết đào tạo kế toán - kiểm toán, thậm chí có thể từ YouTube.