Đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Ngành

(BKTO) - KTNN vừa ban hành Kế hoạch hành động về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) năm 2019. Kế hoạch nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nguồn nhân lực trong toàn Ngành; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về THTK, CLP trong công tác chuyên môn, nhiệm vụ được giao và cuộc sống hằng ngày; đưa công tác THTK, CLP trở thành nhiệm vụ thường xuyên ở tất cả các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN.



Theo đó, việc THTK, CLP được cụ thể hóa ở 5 lĩnh vực, gồm: quản lý và sử dụng NSNN trong chi thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng tài sản công; công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; THTK, CLP đối với từng cá nhân, cán bộ, công chức; cải cách thủ tục hành chính.

Thực hiện các mục tiêu và nội dung trên, toàn Ngành cần đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về THTK, CLP của Đảng, Nhà nước và KTNN; xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy định của KTNN liên quan đến vấn đề này; thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ và xử lý vi phạm; công khai tài chính, hoạt động mua sắm, trang bị tài sản và đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, để góp phần THTK, CLP, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị trực thuộc, các cán bộ, công chức, người lao động KTNN cần thực hiện nghiêm các giải pháp sau:

Chỉ đạo và điều hành cuộc kiểm toán theo đúng mục tiêu kiểm toán đã được phê duyệt, trong đó đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Quốc hội về THTK, CLP tại các đơn vị kiểm toán; kiểm tra việc sử dụng ngân sách tại các đơn vị theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, dự toán;…

Đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các DN, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; kiểm toán các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm.

Tích cực và chú trọng phát hiện những hành vi, biểu hiện tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước để góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật THTK, CLP. Kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Tăng cường kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về sửa đổi cơ chế, chính sách tạo điều kiện thực hiện tốt công tác THTK, CLP trong lĩnh vực được kiểm toán.

Tổ chức công khai kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần THTK, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019
Cùng chuyên mục
Đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên của Ngành