Kỷ nguyên độc lập, tự do, đổi mới và phát triển
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, kỷ nguyên thường được hiểu là một thời kỳ lịch sử trong tiến trình phát triển của quốc gia dân tộc mà ở đó các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược được hoàn thành, được đánh dấu bằng những sự kiện tạo ra bước ngoặt vận động, mở ra trang sử mới.
Nhìn lại lịch sử nước ta có thể thấy nhiều dấu mốc như vậy, có ý nghĩa và tác động lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên của độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị chu đáo cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, phát huy cao nhất mọi nguồn lực, trước hết là nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi đã kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước kéo dài 30 năm gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Năm 1986, đường lối đổi mới của Đảng ta đã đánh dấu quá trình cả dân tộc quyết tâm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước tiến vào thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới gần 40 năm qua của đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Vào năm 2023, GDP bình quân đầu người đã đạt mức 4.300USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023, đưa Việt Nam trở thành hình mẫu nổi bật về nỗ lực xóa đói, giảm nghèo trong số các quốc gia đang phát triển.
Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy.
Việc phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 31 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ với khoảng 230 thị trường tại các châu lục.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, tầm nhìn và mục tiêu vươn mình của dân tộc đã sáng tỏ, vấn đề đặt ra là phải có các chiến lược thực hiện kịp thời, khả thi. Trước hết là chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh đã xuất hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công nghiệp hóa là nội dung cốt lõi của phát triển và hiện đại hóa ngày nay, quyết định trình độ phát triển của mỗi quốc gia dân tộc; đồng thời, tạo ra các tiền đề cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó là chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trước kia, Đảng đã xác định đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Ngày nay, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất thiết phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Không quốc gia nào trở thành quốc gia phát triển mà không có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở trình độ cao. Việt Nam phải có một số mũi nhọn khoa học công nghệ, nhất là khoa học ứng dụng và năng lực đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, cần phải có chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Phát triển nhanh đòi hỏi tốc độ cao trong tăng trưởng kinh tế, gia tăng sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường sinh thái lấy tăng trưởng kinh tế. Phát triển nhanh cần hệ thống chủ trương, chính sách riêng biệt và phát triển bền vững cũng cần hệ thống chủ trương, chính sách riêng biệt khác. Bởi vậy, cần có chiến lược phát triển nhanh và bền vững để kết hợp hai hệ thống chủ trương, chính sách đó trong một chỉnh thể thống nhất, hài hòa.
Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, với không ít kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể. Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam Anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc; vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công với nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên những tầm cao mới. Phía trước, có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng những khó khăn, thách thức đan xen, nhưng một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội./.