Đưa kinh tế Việt Nam “biến nguy thành cơ”

(BKTO) - Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 sẽ tập trung thảo luận, xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

thang.jpg
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: VPQH

Khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những khó khăn không thể khắc phục chỉ trong một sớm, một chiều.

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ; doanh nghiệp chưa thể đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Trước bối cảnh này, các đại biểu cần tập trung thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Trong đó, đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

Vấn đề tiếp theo là tìm giải pháp khôi phục dòng vốn đầu tư, nhất là khi tình hình giải ngân vốn đầu tư công tuy được cải thiện nhưng còn rất chậm, thực trạng “có tiền nhưng không tiêu được” vẫn phổ biến đối với các dự án cả ở trung ương và địa phương, tạo ra những hệ lụy dây chuyền, ảnh hưởng trực tiếp đến động lực đầu tư của khu vực tư nhân.

 Chính sách tiền tệ có những giới hạn của nó, càng không thể lạm dụng khi dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều; nhất là khi mặt bằng lãi suất không còn là cứu cánh cho doanh nghiệp đã không còn đủ sức khỏe và không có nhu cầu vay vốn đầu tư do không tìm được thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, Diễn đàn cần tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp này vào cuộc sống.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, có hai vấn đề đặt ra.

Một mặt, cần thống nhất cách hiểu và quy trình để hạn chế sự tùy tiện trong thực thi, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính.

Mặt khác, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ trong thực thi công vụ.

Nâng cao năng suất lao động để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 không chỉ bàn về những vấn đề trước mắt, mà giải quyết những vấn đề trước mắt để đặt cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề trung hạn và lâu dài.

db.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: VPQH

Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng mà Diễn đàn nêu ra là: Nâng cao năng suất lao động là phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế.

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực.

Theo đó, cần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu không chỉ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ mà còn ngay trong chính các ngành này theo hướng tăng tỷ trọng các tiểu ngành có năng suất, hàm lượng công nghệ, sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn. Sự chuyển dịch này sẽ diễn ra nhanh hơn nhờ quá trình chuyển đổi số, xanh hoá đang thẩm thấu vào từng sản phẩm, từng khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh và từng hoạt động kinh tế - xã hội.

Hai là, tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế. Cần tháo gỡ các nút thắt, giải quyết các điểm nghẽn, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, con người.

Cùng với đó, đẩy mạnh các cụm liên kết ngành, coi đây là phương thức hữu hiệu giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí giao dịch, dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ với chi phí thấp, trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau; vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương, quyết tâm đổi mới và xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả...

“Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, tôi đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tham gia Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước” - ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ./.

Cùng chuyên mục
Đưa kinh tế Việt Nam “biến nguy thành cơ”