Luật Thủ đô (sửa đổi) phải mang tính vượt trội so với các luật khác

(BKTO) - Hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để Thành phố tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 vào tháng 10/2023.

1a.jpg
Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: hanoi.gov.vn

Tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội

Thông tin tại Hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Căn cứ mục tiêu, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ giải pháp về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và các Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành phố đã phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương rà soát, lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật Thủ đô theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; nghiên cứu pháp luật về Thủ đô của một số nước; tổ chức các tọa đàm, hội thảo; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý; tổ chức Hội đồng thẩm định dự án Luật và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ.

Các quy định của dự thảo Luật Thủ đô được Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở đề xuất của các cấp, ngành, chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến thảo luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo Thông báo số 1955/TB-VPQH ngày 14/8/2023 của Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012; đồng thời  hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế;

Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Với mục tiêu đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW và các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Luật quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Dự án Luật Thủ đô bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Đồng thời, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì nên ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.

Luật Thủ đô (sửa đổi) kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì sẽ đề xuất quy định tại Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp -  Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.

Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có những quy định đặc thù

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần hoàn thiện theo hướng cô đọng, khái quát cao, tận dụng tối đa nội dung Nghị quyết số 15-NQ/TU của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có quy định đặc thù về xử phạt hành chính, chẳng hạn như: với những vi phạm như trật tự xây dựng gây ra những hậu quả rất phức tạp, nặng nề, Hà Nội quy định mức phạt gấp nhiều lần mức của các địa phương khác, thậm chí là 50 lần. Ngoài ra, tăng quyền hạn cho Chủ tịch UBND Thành phố cao hơn Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khác, tương ứng với đó là tăng trách nhiệm.

Nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, dự thảo Luật cần phải tính toán, xem xét kỹ với từng đề xuất, phải căn cứ vào năng lực, khả năng thực hiện, các hệ quả liên quan… Đặc biệt, cần xem xét kỹ hơn đề xuất quy định giao cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác...

Liên quan đến môi trường và đô thị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Vương Văn Biện cho rằng, môi trường phải được coi là quan trọng số một khi xét duyệt các chương trình, dự án. Luật Thủ đô (sửa đổi) phải làm rõ được điều này và quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về xây dựng đô thị, khắc phục những bất cập hiện nay.

Về vấn đề văn hoá trong dự thảo Luật, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt cho rằng, Hà Nội là Thủ đô văn hiến, nên văn hoá phải được quan tâm hành đầu, có chiến lược phát triển văn hoá lâu dài, bền vững. Dự thảo Luật cần kỹ hơn về công nghiệp văn hoá, cho phép Hà Nội cởi mở, phóng khoáng hơn, có quỹ lớn hơn trong việc phát triển văn hoá.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cảm ơn và tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Chủ tịch UBND Thành phố giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu tiếp thu cụ thể để hoàn thiện các điều, khoản và nội dung, hình thức dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội./.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012). Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.

Cùng chuyên mục
Luật Thủ đô (sửa đổi) phải mang tính vượt trội so với các luật khác