Đưa Mini bus vào hoạt động: Cần thiết, nhưng phải có cơ chế phù hợp

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc phát triển Mini bus (xe buýt nhỏ từ 10 - 16 chỗ ngồi) là một trong những giải pháp cần thiết trong tương lai nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông công cộng, giúp giải bài toán ùn tắc giao thông hiện nay tại các đô thị lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, để loại hình vận tải này phát huy hiệu quả, cần có khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc trước khi đưa vào hoạt động.



Phát triển Mini bus là cần thiết

Theo các chuyên gia, sự hiện diện của xe buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, gây nên sự ùn tắc giao thông. Mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay tại các thành phố tồn tại nhiều bất cập. Khoảng cách tiếp cận xa, sự hạn chế quỹ đất trong nội thành dẫn đến khó xây dựng điểm dừng, đỗ xe buýt. Ngoài ra, cấu trúc đô thị đặc thù của Hà Nội và TP. HCM là mặt đường quá hẹp. TP. HCM có trên 4.000 con đường nhưng đường rộng trên 7m chỉ chiếm 30%. Tại Hà Nội, độ bao phủ mạng lưới xe buýt mới xấp xỉ 70%, thiếu kết nối với các khu dân cư và các khu đô thị mới, thậm chí thiếu cả nhà chờ. Người đi chán nản, tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt rất thấp, dù trợ giá “khủng” nhưng cả 2 thành phố này tỷ lệ đi xe buýt chỉ khoảng 10%. Do đó, việc phát triển Mini bus nhằm kết nối với những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh (BRT) hay đường sắt đô thị (Metro) trong tổng thể mạng lưới giao thông công cộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam là rất cần thiết.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Uỷ viên Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội), chính sự rối rắm trong quản lý, quy hoạch giao thông đã khiến cho mạng lưới giao thông tại các đô thị lớn ở Việt Nam giống như “mạng nhện”. Hiện nay, để tìm được một trạm đỗ xe buýt ở gần nhà, người dân hết sức vất vả. Phương tiện vận tải công cộng khi quá ỷ lại vào hỗ trợ thì sẽ không thể “sống” được. Trong điều kiện hiện tại, Mini bus có thể sẽ là “cứu cánh” của Hà Nội ít nhất là 10 năm tới.

Ở góc nhìn khác, theo nhìn nhận của Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh, cái khó của xe buýt chính là cạnh tranh với xe cá nhân cũng như taxi, xe ôm công nghệ. Tỷ lệ sở hữu xe cơ giới của Việt Nam ở mức rất cao, lên tới 600 xe/1.000 người dân. Xe buýt phải vật lộn trong dòng xe cá nhân. Trong cuộc cạnh tranh với xe máy hiện nay, xe buýt rất yếu thế.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, không chỉ xe cá nhân, xe buýt đang phải đối đầu với các đối thủ chính là taxi công nghệ và xe ôm công nghệ. Các phương tiện giao thông này đang phát triển rất nhanh với các ưu thế: gọi dễ dàng, giá cả hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt. Do vậy, đầu tư Mini bus tại Hà Nội và TP. HCM là cần thiết, nhưng phải điều tra khảo sát và tính toán khoa học, nên làm thí điểm để có sự đồng thuận trong xã hội.

Cần có quy hoạch cụ thểvà cơ chế phù hợp

Để có thể phát triển loại hình phương tiện vận tải Mini bus, theo ông Trần Huy Ánh, cần có khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc để đưa mô hình Mini bus vào áp dụng một cách hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng hình ảnh Mini bus có sức hút, hấp dẫn để người dân trân trọng sử dụng, thay đổi cảm giác “tự ti” khi sử dụng loại hình phương tiện này. Mặt khác, cần tính toán mức chi phí đi lại bằng Mini bus phù hợp, các điều kiện của lái xe Mini bus cũng cần nới lỏng hơn; đồng thời, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tính tích cực của loại hình phương tiện công cộng này.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh cho rằng, để triển khai thành công loại hình vận tải Mini bus, cần phối hợp nhiều giải pháp. Trong đó, phải thay đổi nhận thức của người dân về vận tải công cộng, bởi thực tế, đây vẫn là vấn đề khó nhất. Chính vì vậy, chủ trương Mini bus mặc dù là một hướng đi đúng nhưng có đi vào được cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bước triển khai cụ thể.

Dưới góc độ DN, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho rằng, có 4 yếu tố cần phải lưu ý khi triển khai Mini bus. Thứ nhất, về công tác quy hoạch, trong phương án của Sở GTVT Hà Nội, Mini bus sẽ được đưa vào thực hiện thí điểm trong năm 2019. Theo đó, cần quy hoạch không chỉ mạng lưới mà còn cả phương án hoạt động. Mini bus không thể hoạt động như xe buýt truyền thống mà có cách thức hoạt động rất khác, khoảng cách mỗi tuyến nên là 5 - 7 phút, giá vé cũng cần mang tính cạnh tranh, khoảng 5.000 đồng/lượt.

Thứ hai, cần xây dựng một chính sách trợ giá đặc thù cho Mini bus để DN không còn băn khoăn khi tham gia. Thứ ba, khác với các loại hình phương tiện khác, Mini bus thường rất cơ động, có đặc thù riêng, phải len lỏi vào các ngõ, khu dân cư nhỏ để đón khách, do đó, cần phải có hạ tầng để loại hình vận tải này hoạt động. Cuối cùng, cần lưu ý đến thời gian đi lại của người dân, bình quân 1 chuyến 10 - 12 phút. Khách đi bộ mất thêm 10 phút dẫn đến trung bình phải mất 20 - 30 phút cho một chuyến đi. Vấn đề tiếp cận của người dân đang là bài toán nan giải. Nếu chúng ta không có giải pháp ưu tiên thì việc này rất khó triển khai.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 52 ra ngày 27-12-2018
Cùng chuyên mục
Đưa Mini bus vào hoạt động: Cần thiết, nhưng phải có cơ chế phù hợp