Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng: “Tin vui” cho ngành phân bón và bà con nông dân

Sau gần 9 năm có hiệu lực và bộc lộ nhiều hạn chế, tới đây, việc sửa đổi Luật thuế 71 theo hướng đưa phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đây là một tin vui, giúp hài hòa lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Doanh nghiệp phân bón kỳ vọng “gỡ” được bài toán chi phí

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 (Luật thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế VAT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ ngày 01/01/2015.

Sau gần 9 năm có hiệu lực, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Nguyên nhân là do quy định phân bón không chịu thuế VAT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, hoàn thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị…), kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế VAT được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.

Số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong gần 9 năm qua là rất lớn. Đơn cử, tại Công ty CP DAP 1 – Vinachem, công suất sản xuất mỗi năm là 200.000 tấn, khoản thuế không được khấu trừ khoảng 100 tỷ đồng, phải phân bổ vào chi phí. Với Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, con số này cũng dao động khoảng trên 140 tỷ đồng mỗi năm; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình khoảng hơn 110 tỷ đồng; 113 tỷ đồng; Công ty CP Lân Ninh Bình, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân bón miền Nam cũng dao động từ 3 đến 50 tỷ đồng.

supe-lam-thao-1.jpg
Số tiền không được khấu trừ đầu vào mỗi năm của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Duyên 

Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Luật thuế số 71 được áp dụng từ năm 2015, sau khi áp dụng chúng ta nghĩ rằng sẽ hỗ trợ cho bà con nông dân. Nhưng thực tế thì ngược lại! Đơn cử như Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, vì không được khấu trừ thuế đầu vào, Công ty bị thiệt hại trung bình trên dưới 100 tỷ đồng/năm. Con số này đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trong gần 9 năm qua. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân..

Đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền Ninh Bình cho hay, hàng năm, Công ty đều phải nhập khẩu những thiết bị và công nghệ để đảm bảo hoạt động của công ty. Chi phí đầu tư cho các thiết bị này rất lớn. Song các máy móc của nhà xưởng đang chịu thuế khoảng 10%, nếu đầu tư vài ngàn tỷ thì mất vài trăm tỷ do không được khấu trừ thuế. Điều này khiến doanh nghiệp và sản phẩm mất năng lực cạnh tranh.

TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà cả ngành nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn từ 5 đến 8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 đến 4.000 tỷ đồng/năm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay: sau nhiều năm thực hiện Luật số 71/2014/QH13, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp nhiều khó khăn và đã liên tục kiến nghị sửa đổi trong thời gian qua. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Tài chính, đồng thời có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất phù hợp để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

Sửa luật Thuế 71 - “ba nhà” đều vui!

Việc sửa Luật thuế 71 được coi là giải pháp then chốt giúp giải quyết vấn đề cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Khi Luật thuế được sửa đổi, doanh nghiệp ngành phân bón sẽ có thêm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Giá phân bón sẽ hạ xuống, người nông dân được mua phân bón với giá rẻ hơn và Nhà nước thu được ngân sách.

TS. Phùng Hà bày tỏ kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua việc sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng để gỡ "nút thắt" chính sách để cả nhà nước, nông dân và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi.

dam-ninh-binh.jpg
Việc sớm sửa đổi Luật thuế 71 chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp phân bón giảm gánh nặng, người nông dân mua được phân bón giá rẻ hơn và Nhà nước thu được ngân sách. Ảnh: Nguyễn Duyên. 

Việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% còn góp phần tăng ngân sách nhà nước thông qua các khoản thu thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động đang làm việc trong ngành phân bón. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về "Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan" theo nguyên tắc áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ hoặc dư thừa.

Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 28, xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/12/2023 vừa qua, xem xét đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Đối với phân bón, dự kiến sẽ đưa vào và luật hóa các nội dung cũng như điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng. Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Cùng chuyên mục
Đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng: “Tin vui” cho ngành phân bón và bà con nông dân