Đưa “rồng lửa” vượt Trường Sơn, qua đất Lào đi giải phóng miền Nam

(BKTO) - Ngay sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng Chạp năm 1972, Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không chúng tôi đã được cấp trên ra lệnh nhanh chóng “Nam tiến” vào bảo vệ vùng trời giải phóng tỉnh Quảng Trị trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào ngày 27/01/1973.



Vậy là Trung đoàn 263 đã trở thành Trung đoàn Tên lửa Phòng không đầu tiên và duy nhất của Quân Giải phóng miền Nam. Trên mũ tai bèo của các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn chúng tôi là chiếc quân hiệu với ngôi sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh! Nhiệm vụ của Trung đoàn là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời tỉnh Quảng Trị và sẵn sàng cơ động bất cứ lúc nào, đến bất cứ nơi đâu trên toàn mặt trận phía Nam.

Thấm thoát đã được 2 năm bảo vệ vùng trời Quảng Trị giải phóng, trong đó có thị xã Đông Hà là nơi đặt trụ sở - được ví như “Thủ đô giải phóng” - của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Một ngày cuối tháng 02/1975, Trung đoàn chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ tuyệt mật đến mức khi ấy, tôi đã là trợ lý của Ban Chính trị của Trung đoàn mà cũng không biết gì cả! Cả Trung đoàn lúc đó chỉ có 3 người gồm: Trung đoàn trưởng, Chính ủy và Tham mưu trưởng Trung đoàn lên Sư đoàn trực tiếp nhận lệnh của cấp trên được biết mà thôi. Ở Hội nghị Quân chính Trung đoàn diễn ra sau đó ít ngày, chúng tôi chỉ được phổ biến là chuẩn bị cấp tốc để hành quân đường dài.

Đoàn xe Tên lửa của Trung đoàn 263 trong Lễ Diễu binh mừng chiến thắng trên đường phố Sài Gòn ngày 15/5/1975 - Ảnh tư liệu

Vốn đã quen cơ động chiến đấu trong những năm chiến tranh - có lẽ vì thế mà Trung đoàn 263 chúng tôi được cấp trên đặt cho tên gọi là Đoàn Tên lửa Quang Trung - nên các đơn vị trong Trung đoàn đều khẩn trương chuẩn bị lên đường. Nhìn cơ ngơi doanh trại, trận địa đã khá khang trang mà phải bỏ lại, ai cũng thấy tiếc! Nhưng chấp hành lệnh của trên, đầu tháng 3/1975, Trung đoàn chúng tôi bắt đầu “rồng rắn nối đuôi nhau” xuất phát hành quân về hướng Tây, theo đường 9 vượt qua Lao Bảo tiến thẳng đến Bản Đông của nước bạn Lào. Lúc ấy, nhiều anh em trong đơn vị đều nghĩ rằng: “Có khi chúng mình lại trở thành lính Tên lửa Quân đội Giải phóng nhân dân Lào cũng nên...”. Nhưng không phải! Khi đội hình hành quân của Trung đoàn đến ngã ba Sê Sụ của tỉnh Savanakhet, chỉ huy Trung đoàn hạ lệnh rẽ trái, hướng phía Nam thẳng tiến! Vậy là Trung đoàn chúng tôi hành quân theo đường Tây Trường Sơn và chưa biết điểm dừng tại đâu.

Lần đầu tiên hành quân trên đất bạn Lào, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước những cánh rừng già đại ngàn rộng mênh mông cứ tưởng như đi mãi không hết. Đất rừng nam Lào thật bằng phẳng nhưng do xe quân sự chạy suốt ngày đêm nên mặt đường mùa khô toàn một thứ đất mịn như bột ngập hết nửa bánh xe ô tô. Vào mùa mưa, những ngả đường chắc sẽ trở thành cháo loãng… Đoàn xe chở khí tài tên lửa băng qua những cánh rừng săng lẻ với toàn những thân cây cổ thụ to lớn đến mấy người nối tay ôm vòng quanh vẫn không xuể. Hết rừng săng lẻ lại qua rừng khộp. Rừng đang mùa khô, những chiếc lá khộp to như cái quạt nan rụng đầy mặt đất. Ô tô lăn bánh đè lên thảm lá khộp khô và dày ấy phát ra âm thanh vỡ ròn như xe đang nghiền qua những chiếc bánh đa!

Tiếp theo những cung đường lầm bụi nhưng dễ chạy xe ấy là đến những đoạn đường cheo leo khúc khuỷu sườn Tây Trường Sơn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những gian nan vất vả của cuộc hành quân dài mấy trăm cây số đường Tây Trường Sơn với nhiều dốc cao, cua gấp, đường xấu trong khi xe khí tài tên lửa to, dài, nặng, cồng kềnh rất khó đi, chỉ thiếu cẩn trọng một chút là sẽ mất an toàn!
Có hành quân đi chiến đấu trên tuyến đường Tây Trường Sơn này chúng tôi mới thấy được cụ thể về tình hữu nghị anh em vô cùng đặc biệt của hai nước Việt - Lào trong những năm tháng sát cánh chống kẻ thù chung: Các bạn Lào đã dành cả vùng đất rộng lớn phía Nam của nước bạn để chúng ta mở tuyến đường phía Tây Trường Sơn nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam!

Đến hôm nay, những trang lịch sử của hai nước Việt - Lào vẫn còn ghi chép đầy đủ: Đó là vào những năm 1959-1960, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt - Lào chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm phá thế “độc tuyến” phía Đông Trường Sơn, sau khi được sự nhất trí của lãnh đạo Đảng hai nước Việt Nam và Lào, Đoàn 559 nhận nhiệm vụ “lật cánh” sang phía Tây, qua nước bạn Lào, mở thêm một tuyến đường chi viện mới cho chiến trường miền Nam. Từ đó, mạn Tây Trường Sơn đã trở thành tuyến đường huyết mạch, vận chuyển trọng yếu nhất của quân đội Việt Nam và Lào trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 của Việt Nam, tuyến đường Đông Trường Sơn nối với Tây Trường Sơn được xây dựng với tổng chiều dài gần 20.000 km, bao gồm 5 hệ thống đường trục dọc và 21 hệ thống đường trục ngang, đảm bảo cung cấp sức người và trang thiết bị kỹ thuật, phục vụ thắng lợi Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng giúp hai nước bạn Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, tuyến đường Tây Trường Sơn cùng với Đông Trường Sơn đã trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Có một kỷ niệm không thể nào quên đối với những người lính tên lửa Trung đoàn 263 chúng tôi về những ngày hành quân qua đất nước Lào mùa xuân năm 1975 đưa “rồng lửa” vào giải phóng Sài Gòn. Đó là khi đơn vị hành quân đến khu rừng Dongpaam, huyện Sansay thuộc tỉnh Attapeu thì một quả đạn tên lửa SAM-2 trên xe rơ mooc chở đạn bị gẫy vì đường xấu quá. Biết là quả đạn tên lửa này đã hỏng, không thể chiến đấu được, chỉ huy Trung đoàn quyết định cho các cán bộ và nhân viên kỹ thuật của đơn vị tháo lấy toàn bộ đầu nổ, các cánh lái tên lửa và các bộ phận chứa linh kiện điện tử trong quả đạn rồi để lại quả tên lửa chỉ còn vỏ ấy trong rừng Lào và đơn vị tiếp tục hành quân.

Cứ tưởng quả đạn tên lửa “xấu số” ấy không còn ai nhớ nữa thì bất ngờ những năm gần đây, nếu ai đi du lịch ở các tỉnh nam Lào sẽ được các hướng dẫn viên du lịch đưa đến xem một chứng tích chiến tranh là quả đạn tên lửa SAM-2 đã hỏng ấy ở tỉnh Attapeu. Thì ra, sau khi kết thúc chiến tranh, các bạn Lào đã phát hiện ra quả đạn tên lửa hỏng này và đưa ra trưng bày ở vị trí thuận tiện phục vụ khách du lịch. Để giúp du khách hiểu rõ về chứng tích chiến tranh độc đáo này, các bạn Lào đã có tấm bảng giới thiệu - bằng tiếng Lào và tiếng Anh - với nội dung: Đây là quả đạn tên lửa phòng không của một đơn vị bộ đội Việt Nam bị hỏng phải để lại trong cuộc hành quân qua đất Lào vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975!

Mới rồi, một người bạn tôi đi du lịch bên Lào về có cho tôi xem mấy bức ảnh chụp quả đạn tên lửa ấy đã được sơn mới và vẫn rất hấp dẫn khách du lịch các nước! Có thể nói, quả đạn tên lửa SAM-2 ấy đã trở thành một chứng tích sống động cho mối tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt - Lào!

Đã 44 năm trôi qua nhưng các cựu chiến binh Trung đoàn chúng tôi vẫn giữ nguyên những hồi ức không thể nào quên về cuộc hành quân “có một không hai’ của Trung đoàn đưa “rồng lửa” vượt Trường Sơn, băng qua đất bạn Lào để tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

NGUYỄN HỮU MÃO
Cựu chiến binh Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không
Cùng chuyên mục
  • Sửa đổi chính sách, tăng quyền lợi  cho người lao động
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thực tiễn triển khai cho thấy, Bộ luật Lao động hiện hành đang có những quy định gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng lao động của DN, cũng như chưa đảm bảo hết các quyền lợi của người lao động (NLĐ). Do đó, việc sửa đổi chính sách cho phù hợp, đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho NLĐ đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
  • Để mọi người lao động đều có “lưới đỡ”  an sinh…
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đảm bảo an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, việc mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - là một trong những điều kiện tiên quyết để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
  • Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.
  • Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các sản phẩm có lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, để đưa Chương trình đi vào chiều sâu, các địa phương, DN… vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
  • Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo (BCĐ).
Đưa “rồng lửa” vượt Trường Sơn, qua đất Lào đi giải phóng miền Nam