Đừng để như một cái hòm đựng sách

Trong quá trình sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo, chỉ đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề lý luận cũng như thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn.

2-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Lớp học lý luận khóa I, Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ngày 07/9/1957. Ảnh: ST

Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Người từng đánh giá lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10/1947, Hồ Chí Minh viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” và “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra vai trò to lớn của thực tiễn, Người xác định rất rõ ràng: “Dù xem được hàng vạn quyển sách lý luận, nếu không đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, học với hành. Trong Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07/9/1957, Người xác định: Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người phân tích rõ lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Người luôn căn dặn, chỉ ra những phương pháp tích cực, hiệu quả trong học tập, thực hành kết hợp giữa lý luận với thực tiễn. Trong bài viết Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập tháng 12/1958, Hồ Chí Minh viết: “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”. Ngày 10/5/1950, khi nói chuyện về Bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng tại Hội nghị Trung ương chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Hồ Chí Minh nói: “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng”. Người yêu cầu rất cụ thể trong bất cứ việc to việc nhỏ, nếu muốn lôi kéo được quần chúng thì chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng để từ đó mà định cách làm việc, cách tổ chức.

Chính thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động nhất cho những tư tưởng mà Người nêu ra trên đây. Tháng 4/1960, Hồ Chí Minh kể lại trong bài viết trên Báo Nhân Dân “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin: Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Từ khi thành lập đến nay, hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng, góp phần đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào công tác lý luận và thực tiễn. Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xuất bản năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và rất sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”. Tổng Bí thư cũng nhắc nhở Đảng cần phải tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học. Vì theo Tổng Bí thư, làm như vậy sẽ giúp cho chủ nghĩa và học thuyết của chúng ta không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống mà sẽ mang hơi thở của thời đại, sẽ luôn tươi mới, luôn được tiếp thêm sinh lực mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh đến vai trò thiết thực của thực tiễn trong nước và quốc tế, yêu cầu Đảng trong khi xác định phương hướng chính trị cũng như đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc Việt Nam, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của cả thế giới và thời đại.

Hiện nay, chúng ta đã và đang tích cực thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, xác định đó là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây cũng là nguồn nội sinh to lớn, là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của ý Đảng, lòng dân: “Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”./.

Cùng chuyên mục
Đừng để như một cái hòm đựng sách