Đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn "phủ bóng đen" lên nền kinh tế thế giới

(BKTO)- Những ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch vẫn tiếp tục phủ bóng đen ảm đạm lên hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Đức tiếp tục dự báo lạm phát ở mức cao trong năm 2023, giá thực phẩm tại Anh có thể tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại cao thứ 2 lịch sử trong tháng 5 vừa qua.

Lạm phát của Đức dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2023
                

   Lam phát năm 2023 của Đức được dự báo tiếp tục tăng cao Nguồn: ukparentslounge.com   

Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức dự báo lạm phát ở nước này sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2023, do tác động của giá năng lượng tăng cao, cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung.

Ngày 15/6, Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) và Viện nghiên cứu kinh tế Ifo đã nâng mức dự báo lạm phát của Đức năm 2023 lên lần lượt 4,2% và 3,3%. Phó Chủ tịch kiêm trưởng bộ phận dự báo tại IfW Kiel, Stefan Kooths, cho rằng các quyết định gần đây của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhằm bình thường hóa chính sách tiền tệ được đưa ra muộn và cho đến nay vẫn chưa đủ quyết liệt.

Theo số liệu chính thức, giá tiêu dùng của Đức trong tháng 5/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lạm phát cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên ở nước này vào mùa Đông năm 1973-1974. Viện Ifo dự báo lạm phát của Đức trong cả năm 2022 đạt 6,8%, trong khi IfW Kiel dự báo lạm phát ở mức 7,4%.

Ifo đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2022 từ 3,1% xuống 2,5%, mặc dù dự báo các yếu tố tiêu cực như tắc nghẽn nguồn cung và giá nguyên vật liệu cao có thể trở nên ít nghiêm trọng hơn trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, IfW Kiel dự báo nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, song nhận định ngành công nghiệp nước này vẫn trong tình trạng tốt.

Nhật Bản ghi nhận mức thâm hụt thương mại cao thứ hai trong lịch sử

                

   Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 17,7 tỷ USD trong tháng 5 Nguồn: The New York time
   


Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 16/6 cho biết nước này đã ghi nhận thâm hụt thương mại 2.380 tỷ yen (tương đương 17,7 tỷ USD) trong tháng 5, mức cao thứ hai từ trước đến nay. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp Nhật Bản thâm hụt thương mại chủ yếu do giá hàng hóa tăng cao.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thâm hụt thương mại trong tháng Năm đã tăng mạnh so với mức thâm hụt 839,2 tỷ yen của tháng trước, và cũng là mức cao thứ hai sau mức thâm hụt 2.800 tỷ yen được ghi nhận hồi tháng 1/2014. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5 vừa qua tăng 48,9% lên 9.640 tỷ yen, đánh dấu tháng thứ ba phá vỡ mức cao kỷ lục, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7.250 tỷ yen, đánh dấu tháng tăng thứ 15 liên tiếp.

Các quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết xuất khẩu của nước này tăng nhờ nhu cầu sắt, thép, các sản phẩm nhiên liệu tinh chế, trong đó có dầu nhiên liệu xuất sang Singapore và các sản phẩm linh kiện bán dẫn. Trong khi đó, nhập khẩu được thúc đẩy do giá các nguồn năng lượng cao hơn, như giá dầu từ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), than đá từ Australia và khí tự nhiên hóa lỏng từ Australia và Malaysia.

Ông Kazuma Kishikawa, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Daiwa cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng dịch COVID-19 vẫn đang được áp dụng ở nhiều nước như Trung Quốc đang cản trở các công ty xuất khẩu gia tăng sản lượng. Ông cho rằng nếu tình trạng căng thẳng nguồn cung được xoa dịu, thâm hụt thương mại của Nhật Bản sẽ được thu hẹp.

Kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua
                

   Bộ Tài chính Hàn Quốc cho rằng nền kinh tế nước này năm 2022 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua - Nguồn: ibtimes
   


Ngày 16/6, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nền kinh tế nước này năm 2022 sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, trước trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung, lạm phát tăng và lãi suất tăng mạnh.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk-yeol khi đề ra sáng kiến chính sách kinh tế đầu tiên đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 3,1% xuống 2,6% và nâng dự báo lạm phát từ 2,2% lên 4,7% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết ông và Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong đã nhất trí đặt ưu tiên hàng đầu là bình ổn giá.

Để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc giảm áp lực của lạm phát, chính phủ đã đề xuất giảm thuế doanh nghiệp tối đa từ mức 25% được áp đặt từ năm 2018, xuống 22% - mức trung bình của các nước thành viên trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Năm ngoái, Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol lên cầm quyền hồi tháng trước, nền kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động xuất khẩu của nước này.

Giá thực phẩm tại Anh có thể tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm
                

   Người dân mua sắm tại chợ Leicester - T.P Leicester - nước Anh - Nguồn: Reuters
   


Theo báo cáo của Grocery trade body IGD nhận định, giá thực phẩm tại Vương quốc Anh có thể tăng 15% trong mùa Hè này, mức tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm, khi lạm phát kéo dài đến giữa năm tới.

IGD cảnh báo giá thịt, ngũ cốc, bơ sữa, hoa quả và rau có thể chịu tác động mạnh nhất khi xung đột tại Ukraine kết hợp với các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc và lệnh cấm xuất khẩu các thực phẩm thiết yếu như dầu cọ của Indonesia và lúa mỳ của Ấn Độ.

Các sản phẩm phụ thuộc vào lúa mỳ như thịt gà, thịt lợn và bánh mỳ có thể tăng giá nhanh nhất khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Ukraine, nước sản xuất lớn về ngũ cốc, gặp trở ngại cùng với các biện pháp trừng phạt Nga, nước sản xuất chủ chốt khác.

Báo cáo đưa ra nhận định lạm phát sẽ kéo dài đến ít nhất là mùa Hè tới, nhưng có thể kéo dài lâu hơn, do một loạt yếu tố như có thêm các nước sản xuất nông nghiệp chủ chốt khác áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, sự gián đoạn hoạt động thương mại liên quan đến Brexit, tình hình thời tiết ở Bắc bán cầu không thuận lợi hoặc đồng bảng yếu hơn.

Theo báo cáo, ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng của Anh đặc biệt chịu tác động trước những sức ép hiện nay do sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm và tác động của Brexit. Các thủ tục bổ sung tại biên giới với Liên minh châu Âu và các thay đổi quy định khác đang gây thêm chi phí, trong khi tình trạng thiếu lao động dẫn tới lương tăng.

Nhà kinh tế trưởng của IGD, James Walton, cho biết nghiên cứu của công ty này cho thấy nếu hóa đơn thực phẩm tăng 10,9% một năm, một gia đình bốn người sẽ phải chi thêm gần 516 bảng (627 USD).

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn "phủ bóng đen" lên nền kinh tế thế giới