Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ảnh: VPQH |
Đảm bảo cao nhất chất lượng các dự án luật
Với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp... để hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nhiều lần quán triệt, quy trình làm luật phải hết sức kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lớp; bên cạnh việc chuẩn bị từ sớm, từ xa còn phải lắng nghe ý kiến nhiều kênh với tinh thần cẩn trọng, tỉ mỉ, cụ thể để có được sản phẩm pháp luật ban hành đáp ứng yêu cầu chất lượng cả về hình thức và nội dung. Về hình thức là đảm bảo cho hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công khai, ổn định, có tính dự báo cao. Về nội dung phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật cần được tiến hành thận trọng, trên cơ sở xem xét đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của các chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan cần tiếp thu ý kiến xác đáng, giải trình thấu đáo, bảo đảm chất lượng các dự án luật có tính khả thi, chất lượng, thuyết phục cao khi trình Quốc hội thông qua.
Điều đó đòi hỏi trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong suốt quá trình từ khi dự án luật được trình lần đầu đến khi tiếp thu, chỉnh lý đến khi được thông qua. Các dự án luật cũng được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước mỗi kỳ họp và trước khi trình Quốc hội thông qua cũng được lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam là những tổ chức đại diện cho người dân và DN.
Đặc biệt, một trong những đổi mới đáng chú ý trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành thông báo kết luận về từng nội dung được xem xét, cho ý kiến tại các Phiên họp hàng tháng. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trước đây, sau mỗi Phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ có một thông báo kết luận chung cho cả Phiên họp. Với những Phiên họp dài ngày, việc chỉ ban hành một văn bản sau khi toàn bộ chương trình Phiên họp kết thúc sẽ làm chậm quá trình tiếp thu, giải trình, rà soát, sửa đổi, bổ sung của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.
“Việc sớm ban hành kết luận chính thức, gửi trực tiếp đến các cơ quan hữu quan sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan kịp thời tiếp thu ý kiến, khẩn trương tiến hành công việc, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Trên cơ sở các nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thông qua quá trình thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường với tinh thần trách nhiệm cao, không khí tranh luận sôi nổi, rất nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu đầy đủ, nhiều ý kiến là căn cứ để bổ sung, hoàn thiện,... giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung, đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Từ việc thông qua các luật, nghị quyết với sự thống nhất cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, đây là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, với sự phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của Nhân dân, của cộng đồng DN trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là bài học quý để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.
Và những quyết nghị quan trọng…
Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII kết thúc tốt đẹp, đem lại những động lực thúc đẩy quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã xem xét một khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Các Luật, Nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận kỹ lưỡng, xem xét thấu đáo và có sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH |
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 05 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của Kỳ họp, cho ý kiến về 06 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung hết sức quan trọng, liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia… nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Một dấu ấn của Kỳ họp thứ 3 phải kể đến là lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), 05 dự án đường giao thông quan trọng được đưa ra bàn thảo và quyết định tại kỳ họp này thể hiện quyết tâm của chúng ta trong việc tạo ra nền tảng hạ tầng trong phát triển ổn định, dài hạn.
Cùng với việc cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, công khai, minh bạch, tuyệt đối không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền và tài sản nhà nước…
Như thông lệ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, của các thành viên Chính phủ tại mỗi kỳ họp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân và cử tri cả nước. Bởi vậy, tại kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với ba Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, cùng sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị trưởng ngành về các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn là “trúng và đúng”, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Qua các phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn, qua đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề được Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, với kết quả của Kỳ họp thứ 3 và các luật, nghị quyết, chính sách mới được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng DN, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc.