Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 30/7.



                
   

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ảnh: chinhphu.vn

   

Tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người dân tự giác tham gia chống dịch

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều thống nhất cao và đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đồng tình phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để phòng chống dịch, bảo đảm đời sống người dân, nhất là tại những nơi cách ly, phong tỏa, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện.

Lãnh đạo nhiều địa phương đều cho rằng các địa phương phải tuyên truyền mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để người dân tự giác, tích cực tham gia chống dịch, phát huy trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phân tích thêm một số điểm nổi bật trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, ngoài việc tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hiện đang áp dụng, Dự thảo giao quyền chủ động cho các địa phương áp dụng hoặc áp dụng linh hoạt các Chỉ thị 15, 16 tùy tình hình thực tế. Đồng thời, có các giải pháp chấn chỉnh để thực hiện nghiêm quy định của các Chỉ thị này, khắc phục các hạn chế như tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Về công tác y tế, ngoài những việc cần tiếp tục triển khai như đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, tìm kiếm nguồn cung vaccine, một nội dung rất quan trọng được Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh là giao Bộ Y tế hướng dẫn với thời hạn nhất định để áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành.

Dự thảo cũng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong cung ứng, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, các sản phẩm thiết yếu, nhấn mạnh yêu cầu chăm lo tốt hơn nữa sức khỏe, đời sống nhân dân.

Một số biện pháp đặc thù về mặt tài chính được thiết kế để các địa phương có thể thực hiện thuận lợi. Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý, Chính phủ đã có Nghị quyết riêng về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và dự kiến sẽ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, các địa phương lưu tâm thêm việc chỉ định thầu để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định.

Cuộc chiến này còn trường kỳ, lâu dài

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vẫn nhất quán mục tiêu chống dịch hiệu quả với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước để có nguồn lực chống dịch và bảo đảm ấm no, hạnh phúc, an toàn cho người dân. Trên phạm vi cả nước trong lúc này, cần tập trung ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh thì mới phát triển được kinh tế - xã hội.

Một mục tiêu khác là dứt khoát không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng truyền thông - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vaccine cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung: Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp phải quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các ý kiến, chỉ đạo, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.

Các Bộ, các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ giải pháp. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, phải vừa thực hiện, vừa phát hiện các điểm mới, đúc rút kinh nghiệm.

Khi thực hiện cách ly, giãn cách, các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thủ tướng yêu cầu TP. HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống.

Thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vacine. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, phải ưu tiên vaccine cho TP. HCM. Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP. HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

TP. HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.

Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của DN..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vaccine, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vaccine và thời gian. Rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vaccine trong nước để có thể làm chủ trong vấn đề này./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Gần 9.000 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 30/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tập đoàn Đèo Cả cùng Liên danh nhà đầu tư đã ký Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
  • Phát huy vai trò của quân đội trong phổ biến, giáo dục pháp luật
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phấn đấu 80% cán bộ, nhân dân nói chung, trong đó 60% cán bộ, nhân dân địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
  • Vững tin vào con đường đi lên xã hội chủ nghĩa
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Lắng đọng và thể hiện tầm nhìn, tính dự báo sâu sắc, toát lên khát vọng, niềm tin, sự kiên định với con đường mà dân tộc đã lựa chọn - đó là đánh giá của các chuyên gia, học giả về Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhan đề: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam".
  • TP. Hồ Chí Minh cần quyết tâm khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - TP. Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa phương châm “chống dịch như chống giặc”, với vai trò siêu đô thị lớn nhất nước ta với hơn 10 triệu dân, Thành phố cần nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, chiến thắng dịch bệnh.
  • Thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ
    2 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh hợp tác trên nhiều mặt để củng cố lòng tin; đồng thời Việt Nam sẽ làm hết sức mình để vun đắp cho sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội