Duy trì mức điểm chuẩn cao, các trường đẩy khó cho thí sinh

(BKTO) - Từ ngày 08/8, hàng loạt trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm chuẩn và phần lớn đều tăng so với năm 2018. Theo dõi sát sao diễn biến của quá trình công bố, điều chỉnh điểm, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về việc một số trường tăng điểm chuẩn theo hướng tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh...



Điểm nhóm ngành kinh tếvẫn “chót vót”

Theo ghi nhận, đến thời điểm này, nhóm ngành kinh tế tại các trường có uy tín tiếp tục có sự bứt phá với mức điểm chuẩn cách xa nhóm trường còn lại. Cụ thể, các ngành của Trường ĐH Ngoại thương có mức điểm chuẩn tăng từ 1,5 đến trên 2 điểm so với năm 2018. Trường ĐH Thương mại đang ghi nhận có mức tăng điểm chuẩn mạnh nhất nhóm trường kinh tế ở miền Bắc đến thời điểm này, khi một số ngành tăng 5 điểm, một số ngành tăng 2 - 2,5 điểm.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có những ngành điểm chuẩn lên tới 25, 26 điểm. So với năm 2018, mức điểm chuẩn này cũng đã tăng trên dưới 2 điểm. Tuy nhiên, TS. Trương Đình Đức - Phó Trưởng Phòng Truyền thông Nhà trường - cho rằng, dù mức điểm chuẩn của Trường có tăng so với năm 2018 nhưng mức tăng này cũng khó phá vỡ kỷ lục tăng điểm của Trường vào năm 2017, với điểm chuẩn vào Trường có ngành lên tới 27 điểm. “Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến mức tăng điểm chuẩn, một là phổ điểm năm nay tương đối cao, hai là số lượng nguyện vọng của thí sinh cao” - ông Đức nói.

Tương tự, điểm chuẩn của các trường đào tạo khối ngành kinh tế ở phía Nam cũng tăng mạnh, đặc biệt là các trường có uy tín. Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. HCM), điểm trung bình trúng tuyển vào Trường là 24,13 điểm, trong đó, điểm trung bình trúng tuyển khối ngành kinh tế là 24,02; khối ngành kinh doanh và quản lý 24,38 điểm và khối ngành luật là 23,51 điểm.

Tương tự, điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Kinh tế TP. HCM cũng tăng khá cao, với ngành thấp nhất là 21,6 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất lên đến 25,1 điểm là ngành kinh doanh quốc tế. Ông Nguyễn Văn Đương - Phó Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Nhà trường - cho biết: “Điểm chuẩn của Trường tăng ngoài dự báo của chúng tôi, với mức tăng hơn 3 điểm trở lên so với năm ngoái”.

Đẩy rủi ro về phía thí sinh

Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào phổ điểm của các trường, đặc biệt là các trường uy tín có xu hướng tăng như nêu trên, có cơ sở để kỳ vọng về chất lượng nguồn tuyển sinh đầu vào của các trường cũng như cam kết của nhà trường về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, việc tăng điểm chuẩn cũng đồng nghĩa với việc đẩy thêm rủi ro cho thí sinh, khi cơ hội trúng tuyển của thí sinh bị thu hẹp lại, bởi tình trạng thí sinh “ảo” vẫn tồn tại.

Trong khi đó, đối với trường nhóm dưới, tình trạng rủi ro với thí sinh cũng không phải ít. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhiều trường không có, hoặc không tuyển đủ nguồn thí sinh để mở lớp nên buộc phải đánh trượt thí sinh bằng việc nâng điểm chuẩn lên thật cao. Điển hình như tại Trường ĐH Đồng Nai, trong 14 ngành đăng ký tuyển sinh, có đến 4 ngành chưa có thí sinh trúng tuyển, bao gồm: sư phạm Vật lý, sư phạm Sinh học, sư phạm Lịch sử và quản lý đất đai. Trước tình hình này, Trường đã buộc phải đẩy điểm chuẩn của các ngành này lên rất cao so với các ngành khác để đánh trượt thí sinh, vì số lượng thí sinh đăng ký không đủ để mở lớp. Cụ thể, ngành sư phạm Vật lý điểm chuẩn được đẩy lên đến 24,7 và ngành sư phạm Lịch sử cũng bị đẩy lên đến 22,6 và không có thí sinh trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Quảng Bình, hàng loạt ngành sư phạm vẫn chưa tuyển được thí sinh như: sư phạm Toán học, sư phạm Vật lý, sư phạm Hóa học, sư phạm Sinh học. Ngay sau khi công bố điểm chuẩn, trường ĐH này đã thông báo xét tuyển bổ sung hơn 600 chỉ tiêu bậc ĐH cho tất cả các ngành. Đại diện Trường này cho biết, Trường cũng sẽ tính đến phương án tăng điểm chuẩn một số ngành để đánh trượt thí sinh, nếu không đáp ứng được yêu cầu chỉ tiêu để mở lớp.

Tuy nhiên, điều này không được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tán thành. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - lưu ý các trường đào tạo sư phạm, nếu có quá ít thí sinh không đủ mở lớp, trường cần sớm thông tin để thí sinh thay đổi nguyện vọng, tránh trường hợp không đủ mở lớp thì đẩy điểm chuẩn lên quá cao để đánh trượt thí sinh.

Nhận định về công tác tuyển sinh năm nay, PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam - cho rằng, nhìn bề ngoài có thể thấy, cơ hội trúng tuyển ĐH của thí sinh rất rộng mở, tuy nhiên, ngược lại, rủi ro với thí sinh ngày càng cao. Yếu tố rủi ro này, xét dưới góc độ người học lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp, chứ không phải theo diện “vớt”. “Trong khi các trường top trên duy trì ở mức điểm chuẩn cao, luôn có biến động, các trường nhóm dưới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi thí sinh có thể bị đánh trượt, gây ảnh hưởng đến cơ hội học tập của thí sinh” - PGS,TS. Trần Xuân Nhĩ nói, đồng thời nhấn mạnh: “Vai trò điều tiết của Bộ GD&ĐT là rất quan trọng. Tuy nhiên, vai trò này chưa được phát huy, dù tình trạng rủi ro cho thí sinh như nêu trên đã kéo dài từ mùa tuyển sinh trước đến nay”.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019
Cùng chuyên mục
Duy trì mức điểm chuẩn cao, các trường đẩy khó cho thí sinh