Duyên nợ của Nhà báo Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam

(BKTO) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cũng là người sáng lập và rèn luyện nền báo chí Cách mạng Việt Nam.




Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại và bằng nhiều bút danh khác nhau Ảnh: TTXVN

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một nhà báo cách mạng vĩ đại, Người đã sử dụng hiệu quả báo chí như là công cụ đắc lực, vũ khí sắc bén trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo cách mạng của mình.

Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ giữa Đảng với báo chí cách mạng và báo chí cách mạng với Đảng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, xuyên suốt báo chí cách mạng và báo chí cách mạng bảo vệ Đảng, nhất là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và báo chí cách mạng phải thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng, của nhân dân. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Hồ Chí Minh nói: “Về nội dung mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Duyên nợ của Bác với báo chí là như vậy đó”.

Từ tư tưởng ấy, Nhà báo Hồ Chí Minh xác định: “Tờ báo là tờ hịch cách mạng” và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người chỉ ra: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.

Và vì vậy, cách thể hiện nội dung cũng như hình thức các tác phẩm báo chí của Nhà báo Hồ Chí Minh cũng luôn vì mục đích ấy, phù hợp với mục đích ấy. Người đưa ra quan điểm: “Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”.

Chúng ta còn nhớ mãi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được phát đi vào ngày 20/12/1946 trên làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên! ...Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III (tháng 3/1963) Ảnh: TTXVN

Những lời kêu gọi hùng hồn, mạnh mẽ, tha thiết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho cả nước hừng hừng khí thế cách mạng và lòng tự hào dân tộc, ai cũng muốn được cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Trong Thư gửi Đại hội báo giới ngày 05/8/1947, Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho các nhà báo cách mạng: “Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”. Người yêu cầu các nhà báo phải thực hiện tốt nhiệm vụ: “Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi…” và “Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình”.

Nhà báo Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiều giải pháp, cách làm cơ bản, cần thiết, cụ thể để các cơ quan báo chí và nhà báo cách mạng rèn luyện phấn đấu nhằm có đủ tâm, đủ tầm, đủ năng lực, trình độ làm tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình. Như, phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Nhà báo Hồ Chí Minh nêu rõ: “Về trách nhiệm báo chí, Lê-nin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Thực tế những năm qua đã chứng minh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng học tập, làm theo Nhà báo Hồ Chí Minh, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Đặc biệt càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi các nhà báo cách mạng học tập và làm theo Nhà báo Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đảng Cộng sản Việt làm lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, xuyên suốt nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Đảng thường xuyên lãnh đạo chỉ đạo sát sao, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền báo chí Cách mạng. Tiêu biểu như, ngày 08/4/2020, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Chỉ thị kịp thời, đúng đắn, phù hợp thực tiễn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước trong quá trình phát triển. Vừa qua, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại”.

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã ban hành Luật Báo chí 2016 với nhiều điểm mới và sớm đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống. Chính phủ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo kịp thời báo chí, thực hiện tốt việc giao ban báo chí trong nước và quốc tế… Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều nỗ lực xây dựng tổ chức hội và hội viên, ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho hoạt động báo chí của các nhà báo.

Có thể thấy rõ, Đảng luôn cùng cả hệ thống chính trị, cộng đồng và đông đảo bạn đọc tích cực, chủ động đồng hành, giúp đỡ để những người làm báo, báo chí Cách mạng Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình. Nhờ vậy, báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 830 cơ quan báo chí, hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề báo chí. Về cơ bản, đội ngũ các nhà báo Cách mạng Việt Nam đã giữ được phẩm chất, năng lực của mình, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp “Phò chính, trừ tà”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có một số nhà báo có sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề, ảnh hưởng xấu đến thanh danh của báo chí cách mạng.

Dù chỉ là cá biệt, “Con sâu làm rầu nồi canh”, những sai phạm trên đều đã được xử lý kịp thời, công khai, minh bạch, nghiêm minh, được đông đảo dư luận trong đó có đội ngũ những người làm báo hoan nghênh, ủng hộ. Tháng 12/2021 vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển” đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo nước ta: “Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”.

Đây cũng là động lực, niềm tin để báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phấn đấu, góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vững bước trên con đường đi lên xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng giàu đẹp./.

CÔNG MINH
Cùng chuyên mục
Duyên nợ của Nhà báo Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam