Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc chuyển vốn vay về cho vay lại

(BKTO) – Đây là nội dung được nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội thông qua chiều 16/6.



                
   

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

   

Tại Nghị quyết, Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN cho 05 dự án, gồm: 01 dự án do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư và 04 dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; lập, giao dự toán, thanh quyết toán NSNN hằng năm để thực hiện chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN cho 05 dự án theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết này; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các dự án cùng với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm trong lĩnh vực giao thông vận tải để bố trí cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư đầu tư cho các dự án từ nguồn vốn NSNN và thực hiện chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN.

Quốc hội giao KTNN kiểm toán việc thực hiện chuyển đổi và thanh quyết toán số vốn chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát NSNN và báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội cũng thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án; đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành các dự án thành phần đang triển khai đã được bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả toàn tuyến đường; kiểm toán, quyết toán kịp thời theo đúng các quy định của pháp luật.

Đối với các dự án còn lại, Nghị quyết nêu rõ:

Đến năm 2025, hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo quy mô 2 làn xe bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải, cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.

Kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe, hoàn thành kiểm toán, quyết toán và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, báo cáo Quốc hội vào năm 2026.

Triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần Đoan Hùng - Chợ Bến trong năm 2022 – 2023, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các đoạn của đường Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình, bảo đảm yêu cầu thoát lũ, bảo vệ các hệ sinh thái và cảnh quan môi trường. Rà soát, từng bước đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước kiểm toán việc chuyển vốn vay về cho vay lại