Lạm phát tại Eurozone hạ nhiệt
Tối 4/5 (giờ Việt Nam), ECB đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25%, do lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chậm lại với triển vọng ổn định.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp của ECB kể từ tháng 7/2022 để ứng phó với lạm phát cao kéo dài. Như vậy, ngân hàng này đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản kể từ tháng Bảy năm ngoái- tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất của ECB.
Nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả vả tiền lương tăng cao.
Công ty tài chính BNP Paribas của Pháp trước đó cho rằng dữ liệu lạm phát mới nhất của ECB củng cố niềm tin về mức tăng lãi suất sẽ giảm còn 25 điểm cơ bản, so với 3 đợt tăng liên tiếp 50 điểm cơ bản gần đây nhất. BNP Paribas kỳ vọng 3,75% là mức lãi suất kịch trần của ECB.
Các số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Eurozone trong tháng Ba ở mức tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này thấp hơn so với mức dự báo 7,1% mà hãng tin Bloomberg và công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó, đồng thời hạ nhiệt đáng kể so với mức 8,5% trong tháng Hai. Đây cũng là mức tăng lạm phát thấp nhất trong vòng một năm qua của Eurozone.
Trong các dự báo gần đây nhất, ECB cho rằng lạm phát ở Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.
Cổ phiếu ngân hàng Mỹ lao dốc
Quyết định tiếp tục nâng lãi suất của ECB và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến các mã cổ phiếu ngân hàng của châu Âu và Mỹ cùng phải trải qua một ngày giao dịch đầy sóng gió.
Cuối phiên giao dịch ngày 4/5, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ chìm trong sắc đỏ, trong khi chứng khoán các ngân hàng khu vực tại nước này "rơi tự do" trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều lo ngại về sức khỏe tài chính của các ngân hàng này sau khi Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.
Đây là lần thứ 10 liên tiếp Fed tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Các cổ phiếu ngân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm PacWest Bancorp giảm 50,6%, First Horizon giảm 33,6% và Western Alliance Bancorporation giảm 38,5%.
Ngân hàng PacWest được cho là gây lo lắng đặc biệt cho các nhà đầu tư. Giống Sillicon Valley Bank (SVB), PacWest có một số lượng lớn người gửi tiền không có bảo đảm và thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Cổ phiếu của PacWest bị nhà đầu tư bán tháo ồ ạt và giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Cổ phiếu một ngân hàng khu vực khác là Western Alliance Bancorp giảm 38,5%, với việc giao dịch đã bị tạm dừng nhiều lần trong phiên. Ở mức thấp nhất trong phiên, cổ phiếu của Western Alliance đã giảm hơn 60%.
Các cổ phiếu ngân hàng khu vực khác như Comerica và Zion Bancorporation đều mất khoảng 12%. Chỉ số Ngân hàng khu vực KBW giảm 3,5%, thoát khỏi mức thấp nhất trong phiên là giảm khoảng 7%.
Một số ý kiến đánh giá sự sụt giảm giá trị cổ phiếu của các ngân hàng là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng niềm tin của người dùng và nhà đầu tư đối với các tổ chức tài chính cho vay cỡ nhỏ, sau vụ việc 3 ngân hàng SVB, Signature Bank và First Republic Bank (FRG) phá sản.
Kết phiên giao dịch ngày 4/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.127,74 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 0,7% xuống 4.061,22 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% xuống 11.966,40 điểm.
Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,1% xuống 7.702,64 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,5% xuống 15.734,24 điểm trong khi chỉ số CAC 40 của Paris hạ 0,9% xuống 7.340,77 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,5% xuống 4.287,03 điểm.