Dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán

(BKTO) - Trong bối cảnh lãi suất và chi phí cơ hội giảm, điều kiện tín dụng dần nới lỏng, các giải pháp nâng cao chất lượng thị trường của cơ quan quản lý được triển khai, giới chuyên gia dự báo, dòng tiền của nhà đầu tư sẽ dần trở lại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

11.jpg
Các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kế tiếp của Chính phủ sẽ là động lực giúp TTCK diễn biến tích cực hơn. Ảnh minh họa

Thị trường diễn biến tích cực trước các biện pháp tháo gỡ

Tính riêng từ giữa tháng 3/2023 đến ngày 07/4, sau 2 quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những dấu hiệu chuyển biến tích cực dần xuất hiện trên TTCK.

Bộ phận phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, TTCK Việt Nam đang cho thấy nền tảng khá vững khi chỉ số VN-Index vượt qua biến động trong tháng 02, tăng lại 3,9% trong tháng 3 và kết thúc quý I/2023 với tăng trưởng 5,7%. Yếu tố chính tạo ra diễn biến tích cực trên TTCK là bởi các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và thị trường tài chính được đồng loạt đưa ra, cùng những thông tin tích cực từ dòng tiền của khối ngoại. Đặc biệt, thị trường đón nhận 2 lần hạ lãi suất của NHNN vào tháng 3 với mức giảm không quá lớn (0,5%) nhưng lại thể hiện một thông điệp mạnh mẽ về việc giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thêm vào đó, thị trường cũng đón nhận những thông tin tích cực từ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của NHNN liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; kế hoạch xây dựng hơn 1 triệu nhà ở xã hội và việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường. “Đây là những bước đi cực kỳ linh hoạt từ Chính phủ khi số liệu vĩ mô quý I/2023 cho thấy thách thức còn ở phía trước” - SSI Research đánh giá.

Bên cạnh những tín hiệu từ nội tại nền kinh tế, TTCK Việt Nam cũng đón nhận thông tin tích cực từ quốc tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp ngày 22/3. Theo Giám đốc Phân tích và đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) Nguyễn Thị Thùy Linh, đây là mức tăng hợp lý vì vẫn theo sát lộ trình chống lạm phát, trong khi có tính đến điều kiện thị trường tài chính, ngân hàng và việc làm. Sau lần tăng này, lãi suất cho vay qua đêm của FED dao động trong ngưỡng 4,75-5%. Ngoài ra, một tín hiệu tích cực từ phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell, thay vì tăng lãi suất liên tục thì tổ chức này sẽ kết hợp các công cụ chính sách bổ sung phù hợp khác nhằm ổn định lạm phát.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, NHNN có nhiều lý do để tiếp tục xu hướng nới lỏng và nhiều khả năng sẽ có thêm đợt hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2023. Cơ sở của dự báo này là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới dần đi đến hồi kết trước các rủi ro gồm suy thoái kinh tế, đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu. Ngoài ra, thị trường kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất tại kỳ họp tháng 7/2023. Theo đó, xu hướng hạ nhiệt của USD (tham chiếu theo chỉ số DXY) sẽ được tiếp tục duy trì giúp giải tỏa áp lực tỷ giá, tạo điều kiện cho NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như: Hạ lãi suất, mua vào dự trữ ngoại hối. KBSV cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ hưởng lợi từ động thái hạ lãi suất nhưng xu hướng tăng sẽ không quá mạnh như giai đoạn 2020-2021.

Kỳ vọng những chính sách mang tính bước ngoặt

Theo SSI Research, TTCK Việt Nam giai đoạn này dù không quá lạc quan nhưng cũng không quá tiêu cực. Những thách thức với thị trường trong ngắn hạn sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn. “Trong quá khứ, nếu lấy mốc đỉnh lãi suất của Việt Nam giai đoạn 2011 và đỉnh lãi suất của Mỹ giai đoạn 2007 để tham chiếu, thì đáy của TTCK vẫn sẽ có một độ trễ nhất định. Độ trễ này xuất hiện là bởi thị trường cần chờ những động thái hỗ trợ và mặt bằng lãi suất đủ để nền kinh tế, doanh nghiệp hấp thụ được và quay lại đà tăng trưởng” - SSI Research phân tích và cho rằng, các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kế tiếp của Chính phủ sẽ là động lực giúp TTCK diễn biến tích cực hơn.

Chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thị trường giảm là tín hiệu đầu tiên cho sự dịch chuyển của TTCK từ suy thoái sang phục hồi. Nhìn lại quá khứ, TTCK Việt Nam diễn biến khá tích cực sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, VNDirect

Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect - ông Đinh Quang Hinh - đánh giá, lãi suất huy động giảm giúp TTCK dần trở nên hấp dẫn hơn. Chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của VN-Index trung bình tháng 3 khoảng 8,6%. Khoảng cách giữa P/E và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng mở rộng trong tháng 3 khi lãi suất huy động giảm nhưng TTCK vẫn nằm trong xu hướng đi ngang. Việc này đồng nghĩa, kênh đầu tư chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.

Giám đốc Phân tích và đầu tư ABS dự báo chỉ số VN-Index tiếp tục nhịp hồi phục trong tháng 4. Thanh khoản thị trường tháng 4 ước tăng 10-20% so với tháng 3 với dòng tiền từ các quỹ ETF ngoại, nhất là quỹ Fubon ETF sẽ dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. “Các mã cổ phiếu mà quỹ ETF tập trung giải ngân thường có vốn hóa lớn, được kỳ vọng có ảnh hưởng tích cực và dẫn dắt thị trường” - bà Linh nói.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng nhận định, thanh khoản thị trường có thể sẽ được cải thiện hơn trong năm 2023 sau khi FED giảm tốc độ tăng lãi suất cùng với việc hệ thống tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân trên cả 2 sàn HOSE và HNX có thể đạt mức 21.191 tỷ đồng mỗi phiên trong năm nay. Thanh khoản và các chỉ số trên thị trường được cải thiện trong ngắn hạn nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi trong trung - dài hạn, giới chuyên gia cho rằng, cần có dòng tiền lớn và chính sách mang tính bước ngoặt từ Chính phủ, NHNN cũng như nhiều Bộ, ngành liên quan.

Đồng quan điểm, bà Linh cũng nhấn mạnh, để lãi suất giảm về mức có thể giúp phần lớn doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, cần thêm giải pháp từ các Bộ, ngành để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Đây là các vấn đề tác động tới thanh khoản, nợ xấu, chi phí vốn của hệ thống ngân hàng. Khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện, thị trường sẽ đón nhận nhiều tin tốt và kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mạnh mẽ.

Ngoài các giải pháp về tài khóa - tiền tệ, các cơ quan quản lý cũng tích cực triển khai giải pháp nâng hạng TTCK để thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn./.

Cùng chuyên mục
Dòng tiền sẽ trở lại thị trường chứng khoán