EVFTA là lợi thế của Việt Nam trong phát triển chuỗi cung ứng

(BKTO) - Diễn biến của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Ngay trước thời điểm Quốc hội sẽ chính thức xem xét, thảo luận, tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào ngày 20/5, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, kể cả xu hướng nâng cao nội lực, tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài có gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế vững chắc.




Dệt may là một trong những ngành hàng được đánh giá có thể sớm tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là đối tác kinh tếtin cậy

Trong bối cảnh thế giới mới, Việt Nam hy vọng EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ dài hạn giữa hai bên. Hiệp định sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, xu hướng này đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn khi mà diễn biến của dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phân tích điểm lợi thế của Việt Nam trong bối cảnh này, ông Lương Hoàng Thái cho biết, khác với nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ có Mexico là thị trường cung ứng truyền thống, EU không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, trong lộ trình chiến lược của mình, EU đã lựa chọn một số thị trường khác để kết nối dưới hình thức hiệp định thương mại tự do (FTA). Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để trở thành nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ kinh tế, cũng như quan hệ khác với EU ở mức cao hơn.

Tất nhiên, trong xu hướng nâng cao nội lực, tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài, những đối tác thương mại lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sẽ lựa chọn cả những nước khác, nhưng Việt Nam được đánh giá là đối tác đang đứng ở vị thế rất tốt. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã cải cách kinh tế và những chỉ số về năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng của nhiều mặt hàng gần đây đều được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho các đối tác thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu thì Việt Nam vẫn luôn thể hiện là một đối tác tin cậy của các nhà nhập khẩu quốc tế.

Cần phát huy nội lựcvà tận dụng tốt ngoại lực

Trước đây, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, nhiều nước cũng đã đặt vấn đề nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực thì yếu tố quan trọng là phải tận dụng được cơ hội ngoại lực đem lại. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng. Rõ ràng chuỗi cung ứng có thể thay đổi nhưng đối tác nào có thể đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có tính đảm bảo, tin cậy lẫn nhau thì chuỗi cung ứng đó sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Đưa ra đánh giá tổng thể lợi ích của EVFTA đối với nền kinh tế, Bộ Công Thương cho rằng, theo các nghiên cứu, tác động của Hiệp định tương đối thuận lợi nếu như Việt Nam khai thông được thị trường EU. Những ngành hàng của Việt Nam được đánh giá có thể sớm tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại là: dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới (gạo, thủy sản…). Đáng chú ý, theo ông Lương Hoàng Thái, trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên, tham gia vào thị trường cung ứng những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Cập nhật một thông tin tích cực nữa, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong một nghiên cứu mới nhất, Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh tác động của EVFTA đối với việc xóa đói giảm nghèo và khả năng giúp các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu. Cụ thể, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới thì sẽ có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 5 năm đầu thực hiện, EVFTA có thể đóng góp thêm vào nền kinh tế từ 2,18 - 3,25%, tức khoảng 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực thì quyết tâm cải cách để thực thi Hiệp định một cách chủ động, hiệu quả đóng vai trò quyết định. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh thì mới có thể tận dụng được cơ hội mà các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, mang lại.
         
Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao. Hiện nay, chúng ta đang tích cực trao đổi với EU để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng.
H.THOAN
Cùng chuyên mục
  • Hậu Covid-19, làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển?
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Giải đáp câu hỏi được đặt ra liên tục gần đây: “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch Covid-19”, tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Câu lạc bộ Café Số vừa qua, PGS,TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đã gợi mở nhiều điều quan trọng đối với Chính phủ, DN và cả nền kinh tế. Phóng viên Báo Kiểm toán đã ghi lại nội dung của buổi trao đổi này.
  • Điều hành ngân sách phù hợp với tăng trưởng kinh tế
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tác động của đại dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cũng như tạo sức ép trong thu, chi NSNN. Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định, công tác quản lý, điều hành NSNN cần tập trung vào tăng thu, tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật tài chính; đặc biệt khi nguồn thu giảm thì nguồn chi cũng phải giảm tương ứng.
  • Thủ tướng: Quảng Ninh phải là một động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ của "vàng đen" mà đặc biệt là "vàng xanh". Đó là tiềm năng du lịch, các bãi biển xanh, sạch nổi tiếng của Việt Nam. Có thể nói, Quảng Ninh giờ đây là hình mẫu về chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ "đen sang xanh"... Quảng Ninh phải là một động lực đóng góp cho hưng thịnh quốc gia.
  • Thủ tướng mong muốn nghe các biện pháp cất cánh mới của Quảng Ninh
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến công tác, làm việc tại Quảng Ninh là để lắng nghe, giải quyết các kiến nghị cụ thể của tỉnh, “đến đây để tháo gỡ, để góp ý cho sự phát triển”.
  • Thị trường chứng khoán: Chiến trường mới của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Dự luật mang tên “Đạo luật Kiểm toán các công ty cổ phần nước ngoài” được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 20/5 đã đưa thị trường chứng khoán trở thành một "chiến trường" mới trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
EVFTA là lợi thế của Việt Nam trong phát triển chuỗi cung ứng