Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

(BKTO) - So sánh kết quả khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, nhìn chung, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có sự cải thiện; ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương lại có xu hướng giảm sút.

hc.jpg
Năm 2023, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có sự cải thiện. Ảnh minh họa: S.T

Hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có sự cải thiện

Tại buổi công bố Báo cáo PAPI 2023 mới diễn ra, đại diện nhóm nghiên cứu TS. Paul Schuler - PGS Khoa Chính trị học, Đại học Arizona, Hoa Kỳ cho biết, trong bối cảnh tham nhũng vẫn là vấn đề hệ trọng được Đảng và người dân hết sức quan tâm, kết quả đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cũng như trong thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát PAPI năm 2023 cho thấy sự đánh giá của người dân ở hai chỉ số này đang diễn ra theo hai chiều hướng khác nhau trong năm qua.

Cụ thể, theo đánh giá của người dân, công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023. Mức thay đổi theo hướng tích cực hơn này cũng phù hợp với xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ 5 vào năm 2022 xuống vị trí thứ 6 vào năm 2023 trong danh mục top 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.

Bên cạnh đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công.

Kết quả khảo sát PAPI năm 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào “quan hệ” để có được việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn ở mức cao, mặc dù tỷ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016. Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56% - 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng “vị thân” này.

Còn “khoảng tối” về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương

Báo cáo PAPI năm 2023 cũng cho thấy, bên cạnh bức tranh nhiều màu thể hiện đánh giá của người dân về hiệu quả kiểm soát tham nhũng ở địa phương là một bức tranh có màu sắc xám hơn về hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương trong năm qua.

20240402_105030.jpg
Các chuyên gia trao đổi tại buổi công bố Báo cáo PAPI năm 2023, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 02/4, tại Hà Nội. Ảnh: D.T

TS. Paul Schuler cho biết, công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng, đủ thì họ mới có thể thực hiện kiểm tra, giám sát và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình.

Trong khi đó, kết quả khảo sát PAPI năm 2023 chỉ ra điểm đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã.

Cụ thể, nếu như từ năm 2018 - 2022, có khoảng 43% - 46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019…

Bình luận về kết quả PAPI năm 2023, PGS,TS. Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ, trong nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị nhằm xây dựng và hoàn thiện hơn nữa Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, xây dựng một nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả thì vai trò và tác động của ý kiến, đánh giá từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng lên.

Theo đó, các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay Chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index) một mặt được coi là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, các chỉ số này cũng cung cấp những gợi ý quan trọng để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Từ góc nhìn quốc tế, bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, dữ liệu từ chỉ số PAPI phục vụ cung cấp bằng chứng rất phong phú cho việc hoạch định chính sách.

“Dựa trên những dữ liệu này, chúng tôi mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo” - bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2023, có 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI.

PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Cùng chuyên mục
Gam màu “sáng, tối” trong bức tranh hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh