Gắn trách nhiệm trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ổn định và bền vững, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm phát triển người tham gia, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

gia-lai.jpg
BHXH tỉnh Gia Lai đang tập trung cao độ để hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Thách thức trong phát triển đối tượng tham gia

Theo BHXH TP. Pleiku, tính đến ngày 31/10, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại TP. Pleiku đạt khoảng 86,79%. Để đạt kế hoạch được giao phát triển tỷ lệ tham gia BHYT trong năm 2022 là 92,32% thì số người còn phải thực hiện tương ứng với 17.028 người. Đây thực sự là thách thức với BHXH thành phố, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn còn nhiều khó khăn.

Khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHYT tại TP. Pleiku cũng là thách thức chung mà ngành BHXH tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 1,22 triệu người tham gia BHYT, chiếm 82,73% độ bao phủ dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên mục tiêu phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều thách thức.

- BHXH tỉnh Gia Lai -

Thời gian qua, công tác mở rộng và phát triển người tham gia BHYT được BHXH tỉnh đặc biệt chú trọng, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều thách thức do tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nguồn thu nhập thấp, không ổn định. Trong thời gian dài, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ BHYT miễn phí; song do tác động thay đổi của chính sách, nhiều thôn, làng không còn nằm trong diện hưởng chính sách đặc thù, không còn được hỗ trợ BHYT toàn phần nên số người tham gia BHYT giảm mạnh.

Công tác phát triển đối tượng được BHXH tỉnh đẩy mạnh, song chưa thể tạo sự chuyển biến đáng kể. Chưa kể, hoạt động tuyên truyền hiện vẫn tồn tại tại chế, bất cập như, lực lượng tuyên truyền viên ở cấp xã chủ yếu tập trung ở đội ngũ nhân viên đại lý nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; nhân viên đại lý là những người kiêm nhiệm nên chưa đầu tư nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền, vận động. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về chính sách BHYT còn hạn chế; điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT có nơi, có chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tạo được niềm tin cho người dân khi tham gia BHYT... Tất cả những khó khăn này đang trở thành rào cản trong thực hiện mục tiêu phát triển BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Nêu cao quyết tâm, nỗ lực vượt khó

Nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT, TP. Pleiku đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, giao chỉ tiêu thực hiện BHYT đến cấp xã, phường. Ngoài ra, thành phố đã kiện toàn, đào tạo, mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu, nhân viên thu BHXH, BHYT; ký kết quy chế phối hợp với các hội, đoàn thể ở 22 xã, phường trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Hiện nay, bình quân 1 phường, xã trên địa bàn có 3 đại lý thu BHXH, BHYT thuộc 3 tổ chức dịch vụ thu.

Đây cũng là những giải pháp đang được được lãnh đạo tỉnh Gia Lai tập trung chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHYT ổn định và bền vững theo các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, mới đây UBND tỉnh ban hành công văn về việc tăng cường công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; trong đó gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị liên quan.

Trong đó, BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHXH, BHYT cho các địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ, đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển số người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2022-2025, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, ngành BHXH cần đặc biệt quan tâm triển khai hoạt động thông tin, truyền thông, vận động phát triển người tham BHXH, BHYT theo nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng phục vụ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia BHYT.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các địa phương tổ chức rà soát người cao tuổi, người khuyết tật chưa có thẻ BHYT, tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ BHYT theo quy định. Hướng dẫn triển khai thực hiện công tác BHYT cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đối tượng thụ hưởng các chính sách xã hội, người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và sinh viên đang theo học tại các trường dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo 100% số người thuộc diện đối tượng do NSNN đóng, hỗ trợ được tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển số người tham gia BHYT bền vững, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, đảm bảo 100% đối tượng được hỗ trợ mức đóng BHYT, phối hợp với cơ sở giáo dục đẩy mạnh thực hiện BHYT học sinh đảm bảo 100% học sinh tham gia BHYT; huy động nguồn lực hỗ trợ mức đóng BHYT cho học sinh là người dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Tiếp tục kiện toàn hệ thống đại lý thu cấp xã, thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch truyên truyền vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Cùng chuyên mục
Gắn trách nhiệm trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế