Lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu
Không lâu sau khi giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng khoảng 8%. Điều này kéo theo giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ đang có dấu hiệu tăng lên đáng kể. Thông tin tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, từ nay đến cuối năm, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ tăng theo lộ trình, như: giá dịch vụ y tế, giáo dục... Đáng chú ý, tác động của việc tăng giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, trong khi lộ trình tăng lương, mức tăng lương còn nhiều bất cập.
Năm 2019, lương tối thiểu vùng tăng thêm 5,3% so với năm 2018 (tương ứng với 160.000 đến 200.000 đồng). Tại thời điểm chốt mức tăng lương tối thiểu này vào tháng 8/2018, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng, mức tăng 5,3% chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ. “Sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia, khi lương tối thiểu vẫn phải “rượt đuổi” mức sống tối thiểu” - ông Diệp cho biết.
Đề cập đến mức tăng lương tối thiểu vùng, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động - LĐLĐ Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cũng cho rằng, NLĐ đang phải đối diện với nhiều khó khăn do giá cả sinh hoạt tăng cao, tiền lương nhận được không đủ sống. Mức lương tối thiểu bình quân tăng 5,3% mới chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu. Các yếu tố tăng giá dù đã được tính đến khi xác định mức lương tối thiểu song chưa theo kịp diễn biến tăng giá thực tế.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, đại diện lãnh đạo LĐLĐ TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố có trên 150.000 NLĐ, trong số đó có tới 65% số lao động đang phải thuê trọ. Theo khảo sát của Công đoàn, phần lớn NLĐ thuê trọ có cuộc sống còn nhiều khó khăn, bởi họ đang phải gánh nhiều loại chi phí. Đặc biệt, đợt điều chỉnh tăng giá điện, xăng vừa qua khiến cho đời sống của NLĐ càng thêm khó khăn. “Hội đồng Tiền lương quốc gia cần tính toán các yếu tố tác động đến đời sống của NLĐ để đưa ra mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp, đáp ứng được mức sống tối thiểu của NLĐ” - vị này cho biết.
Cần thống nhất việc xác định mức sống tối thiểu
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN, đến năm 2020, lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu sẽ kết thúc. Tuy nhiên, với mức tăng lương tối thiểu bình quân như vừa qua, đã đặt áp lực lương tối thiểu năm 2020 phải tăng thêm 10% thì mới đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết. “Yêu cầu này sẽ rất khó thực hiện, do vấp phải ý kiến phản đối từ phía DN” - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động Lê Đình Quảng dự báo và nhận định Phiên họp sắp tới của Hội đồng Tiền lương quốc gia để bàn về vấn đề này sẽ rất căng thẳng.
Cũng theo ông Quảng, quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ để làm căn cứ tính lương tối thiểu. Tuy nhiên, việc xác định luôn chịu sức ép từ quan điểm của nhiều cơ quan, do đó, tranh cãi luôn xảy ra giữa các bên liên quan. “Cần phải có một cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết” - ông Quảng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Thị Minh cho rằng, lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất nhằm bảo vệ những lao động yếu thế, đồng thời giúp cho NLĐ trang trải cuộc sống ở mức thấp nhất. Trong khi Bộ luật Lao động quy định rõ về tiền lương tối thiểu, thì hiện chưa có sự rõ ràng, thống nhất về nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Hệ lụy là việc tăng lương tối thiểu luôn gây ra những tranh cãi trái chiều do thiếu căn cứ xác định. Tuy nhiên, theo bà Minh, khi giá cả tăng quá cao, việc tăng lương không mang lại nhiều ý nghĩa. Để đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ, ngoài vấn đề tiền lương, Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát.
Trước những vướng mắc, bất đồng trong việc xác định nhu cầu sống tối thiểu, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị việc xác định nhu cầu sống tối thiểu phải do cơ quan nhà nước đưa ra cho thống nhất. Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng, tại Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào giữa năm nay, mức tăng lương tối thiểu được “chốt” sẽ phù hợp hơn dựa trên những căn cứ khoa học, xác đáng, nhằm đảm bảo tốt hơn nhu cầu sống thực tế của NLĐ.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019