Giá dầu thô giảm tác động thế nào đến thu ngân sách?

(BKTO) - Số thu từ dầu thô chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách, vì vậy tác động từ việc giảm giá dầu không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu. Bộ Tài chính đang bám sát diễn biến tình hình và tính toán các yếu tố tác động.



                
   

Ảnh minh họa

   

Đây là một trong những nội dung mà Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cho biết chiều 21/4 về những tác động của việc giảm giá dầu thời gian qua.

Ông Võ Thành Hưng cho biết, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 được xây dựng trên giá dầu dự báo là khoảng 60 USD/thùng, do đó với mức giảm mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động làm giảm thu. Cần lưu ý là Việt Nam thường giao dịch với dầu Brent Biển Bắc hơn là dầu ngọt nhẹ (WTI) - loại đang giảm giá mạnh hơn trong vài ngày qua.

Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam đã có sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu, nên số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách, vì vậy tác động từ việc giảm giá dầu không quá lớn đến nguồn thu. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách, thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%. Đến năm 2019, thu từ dầu thô ước chiếm 3,2% tổng thu ngân sách. Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách, giảm 11.600 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, quý I/2020, số thu ngân sách từ dầu thô đạt xấp xỉ 14.600 tỷ đồng, bằng 41,4% dự toán, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Giá dầu thô trên thị trường thế giới thời gian gần đây đã giảm mạnh, nhưng do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 3 vẫn ở mức 65 USD/thùng, cao hơn 5 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 2,8 triệu tấn, bằng 26,8% kế hoạch.

Theo Tổng cục Hải quan cập nhật trong quý I, xuất khẩu dầu thô trong 3 tháng năm nay ước đạt 1,2 triệu tấn, trị giá ước đạt 532 triệu USD, tăng 11,6% về lượng nhưng giảm 8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu trong 3 tháng xăng dầu các loại ước tính đạt 1,85 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,018 tỷ USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 17,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Còn báo cáo quý I của Bộ Công Thương cho thấy, khai thác dầu thô của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm giảm gần 11%. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô tăng mạnh gần 68% và tồn kho sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng hơn 47%.

“Việc giá dầu giảm tuy tác động không lớn nhưng vẫn sẽ làm ảnh hưởng nguồn thu trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, do đó cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải tính toán, cân đối lại ngân sách, vì liên quan đến khai thác kinh doanh dầu khí có rất nhiều dịch vụ liên ‘ăn theo’ có thể cũng bị ảnh hưởng”, ông Võ Thành Hưng phân tích.

Với riêng ngành ngành dầu khí, có thể có các hợp đồng khai thác đến 6, tháng 7, nên nếu biến động giảm giá ngắn hạn thì trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng nếu giá giảm kéo dài có thể ảnh hưởng đến ngành dầu khí vì có những mỏ khi đó giá thành khai thác cao hơn cả giá bán, nhưng vẫn phải làm vì đã ký hợp đồng.

Phân tích dưới góc độ rộng hơn, ông Võ Thành Hưng nhận định: Việt Nam là quốc gia vừa xuất và nhập khẩu dầu, nhưng lượng xuất thấp hơn lượng nhập, do đó giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn sẽ giúp cho nguồn thu nội địa được cải thiện. “Bộ Tài chính đang bám sát các diễn biến để tính toán các yếu tố tác động”.

Về định hướng thu ngân sách Nhà nước, ông Hưng cho biết, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu từ các nguồn thu khác, trong đó đẩy mạnh tăng thu từ nội địa trong tổng thu ngân sách. Nếu như giai đoạn 2011-2015, thu nội địa chiếm khoảng 68,7% tổng thu, thì giai đoạn 2016-2020 đã lên tới 81,5%, dự kiến năm 2020 là khoảng 84%.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường quản lý thu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế, hải quan với chính quyền địa phương trong rà soát, quản lý chặt các nguồn thu, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính cũng xác định về lâu dài muốn có nguồn thu bền vững phải hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó có cơ sở để tăng thu ngân sách.

“Năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.
Theobaochinhphu.vn
Cùng chuyên mục
Giá dầu thô giảm tác động thế nào đến thu ngân sách?