Theo Báo cáo này, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam ở vào khoảng 2% so với cùng kỳ, thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu; dự kiến phục hồi từ quý III/2020. VN-Index giảm khoảng 28%, phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%. Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý II và giảm 15% trong các quý sau.
Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu cũng dự báo tác động của dịch Covid-19 đến một số lĩnh vực của nền kinh tế với 2 kịch bản: thuận lợi nhất và xấu nhất (xem bảng).
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát ý kiến của 510 DN (đến ngày 01/4/2020) gồm: 92,6% DN ngoài nhà nước, 6,08% DN FDI và 1,76% DNNN. Kết quả khảo sát cho thấy, 93,9% DN đánh giá dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Dịch bệnh đã làm cho các DN cùng một lúc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Cũng theo kết quả khảo sát này, sụt giảm doanh thu đang là khó khăn lớn nhất mà nhiều DN gặp phải trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, 20,2% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực cho rằng doanh thu sụt giảm từ 80% trở lên; 28,4% DN bị sụt giảm từ 50 - 80% doanh thu; 34,9% sụt giảm từ 30 - 50%; 13,9% sụt giảm từ 10 - 30%, chỉ có 2,7% DN bị sụt giảm dưới 10% doanh thu. Đồng thời, các DN vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn, trong đó, chi phí nhân công lao động đang là gánh nặng lớn nhất của 34,5% DN.
Nếu ước tính số lao động bình quân 1 DN khoảng 25 người thì trong 2 tháng đầu năm đã có khoảng 400.000 lao động bị ảnh hưởng do các DN tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.
Nhóm nghiên cứu nhận định, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4/2020, khoảng 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% phải tạm dừng hoạt động; 0,8% có khả năng phá sản. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6/2020, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chỉ còn 14,9% DN duy trì được hoạt động; 46,6% DN tiếp tục cắt giảm quy mô; 32,4% sẽ tạm dừng hoạt động và 6,1% DN đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ DN có khả năng phá sản sẽ tăng cao, lên mức 19,3% nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9/2020 và 39,3% nếu dịch kéo dài đến hết năm nay…
Đề xuất miễn, giảm thuế, hoãn chương trình đầu tư công chưa quan trọng
Trong bối cảnh đó, Nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị chính sách và một số nhóm giải pháp cụ thể, trong đó có các giải pháp về tài chính. Khuyến nghị này bắt nguồn từ kết quả khảo sát ý kiến của DN.
Cụ thể, Nhóm đề xuất giảm 50% thuế thu nhập DN năm 2020 với DN nhỏ và vừa. Trường hợp DN đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN thì số thuế được giảm 50% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ số thuế được ưu đãi theo quy định về thuế thu nhập DN. Kéo dài thời gian chuyển lỗ từ 5 lên 8 năm, giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến ngày 30/6/2020. Cá nhân và DN ủng hộ từ thiện (bằng tiền và hiện vật) nhằm chống dịch Covid-19 được khấu trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN. DN trực tiếp sản xuất đồ bảo hộ (găng tay, quần áo bảo hộ), trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 được khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định (phát sinh khi mở rộng quy mô sản xuất) vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập DN.
Thứ hai, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế GTGT trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế GTGT đầu vào cho DN xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Rút ngắn thời gian xét hoàn từ 40 ngày xuống 20 ngày đối với dự án đầu tư thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau… DN sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch được hoàn 100% thuế GTGT đầu vào.
Thứ ba, miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập, trợ cấp và tiền thưởng được trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống dịch. Giãn thuế thu nhập cá nhân phải nộp tới kỳ cuối năm 2020. Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa nhập khẩu để phục vụ chống dịch hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid-19. Giãn tiền thuê đất DN phải nộp trong 6 tháng.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax, thay vì triển khai eTax cho 18 tỉnh, thành phố còn lại vào tháng 11 nên chuyển sang thực hiện ngay trong tháng 6/2020.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch giải ngân cụ thể các dự án, chương trình lớn; ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; hoãn một số chương trình đầu tư chưa quan trọng; nâng hạn mức gói thầu được cho phép chỉ định thầu; đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng…
THÙY ANH