Tháng thứ hai liên tiếp các mặt hàng lương thực chủ chốt tăng giá
FAO cho biết trong tháng 4 vừa qua, giá thịt tăng lớn nhất, ở mức 1,6%. Nguyên nhân là do nhu cầu về thịt gia cầm tăng cao ở Trung Đông.
Giá ngũ cốc và các loại hạt, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Chỉ số giá lương thực, tăng 0,3% do lo ngại về sản xuất ở châu Âu và gián đoạn vận chuyển do tình hình xung đột ở Ukraine.
Giá dầu thực vật tăng nhẹ do điều kiện thời tiết bất lợi ở Bắc bán cầu, sau khi tăng mạnh tới 8% vào tháng 3.
Trong khi đó, giá đường giảm 4,4% do sản lượng dồi dào ở Ấn Độ và Thái Lan, cùng thời tiết thuận lợi ở Brazil.
Giá sữa giảm 0,3% sau khi tăng trong 6 tháng trước đó. FAO cho biết tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm này.
Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 4 nhìn chung tăng 0,3% so với tháng 3. Một tháng trước đó, chỉ số này cao hơn 1,1% so với tháng 2, trong khi trước đó chỉ số đã giảm 7 tháng liên tiếp.
Lần gần nhất, chỉ số giá lương thực tăng hai tháng liên tiếp là vào tháng 2 và tháng 3 năm 2022, khi giá năng lượng tăng cao đẩy chỉ số lên mức cao nhất mọi thời đại là 160,2 điểm.
Mặc dù giá lương thực tăng liên tiếp trong hai tháng, chỉ số giá lương thực hiện chỉ là 119,1 điểm, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục nêu trên.
Chi phí lương thực trên toàn thế giới sẽ tăng cao do thời tiết
Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự nóng lên toàn cầu và các đợt nắng nóng dự kiến sẽ làm tăng giá lương thực và lạm phát trên toàn thế giới trong tương lai. Nghiên cứu nhấn mạnh tác động sẽ khác nhau nhưng sẽ xảy ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) và ECB đã dựa trên dữ liệu lịch sử về giá cả và thời tiết từ 121 quốc gia từ năm 1996-2021.
Họ phát hiện rằng nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu được sẽ khiến chi phí lương thực trên toàn thế giới tăng từ 1,49-1,79 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2035.
Tương tự, ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu và nhiệt độ cực đoan trong tương lai đối với lạm phát chung sẽ là từ 0,76 - 0,91 điểm phần trăm trong trường hợp tốt nhất và xấu nhất.
Phát biểu với báo giới, một trong những tác giả của báo cáo từ PIK, ông Maximilian Kotz cho biết: “Chúng tôi tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ này cho thấy nhiệt độ cao hơn, đặc biệt là vào mùa Hè hoặc ở những nơi nóng bức, khiến giá cả tăng chủ yếu do lạm phát thực phẩm, cũng như lạm phát tổng thể.”.
Theo ông Kotz, tác động của sự nóng lên toàn cầu đến giá lương thực và lạm phát trong tương lai rõ nhất ở "các khu vực vốn đã nóng hơn", đặc biệt là các khu vực nghèo và đang phát triển trên thế giới.
Nghiên cứu cho thấy châu Phi và Nam Mỹ sẽ là những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, bán cầu Bắc sẽ không tránh khỏi mức giá cao hơn do khí hậu khắc nghiệt.
Ông Kotz cho biết: “Ở Bắc bán cầu, tác động sẽ chủ yếu vào mùa Hè, trong khi ở những nơi khác, tác động sẽ lan rộng hơn trong suốt cả năm.”
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có tác động đáng kể đến các chi phí khác của hộ gia đình, ngoại trừ giá điện.
Theo ông Kotz, điều này khớp với các nghiên cứu khác chứng minh mức độ nhạy cảm đặc biệt của nông nghiệp trước các cú sốc khí hậu./.