Thấy gì qua kết quả tăng trưởng du lịch dịp nghỉ lễ "vàng"?

(BKTO) - Trong 5 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn du lịch trọng điểm ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, bức tranh du lịch kỳ nghỉ lễ cũng cho thấy những vấn đề đặt ra, cần được ngành du lịch phân tích kỹ lưỡng để rút ra bài học cho phát du lịch trong mùa cao điểm hiện nay.

1-9-1-16887160647871637265714.jpg
Lượng khách du lịch đến Thanh Hóa dịp nghỉ lễ 5 ngày vừa qua tăng kỷ lục, giúp Thanh Hóa vươn lên dẫn đầu cả nước về lượng khách, doanh thu du lịch trong dịp này. Ảnh ST

Thị trường du lịch trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày 30/4-01/5 vừa qua, hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

7 tỉnh, thành phố trên cả nước đạt doanh thu nghìn tỷ, lượng khách và doanh thu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, không phải TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội mà Thanh Hóa dẫn đầu bảng thành tích này.

Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa phục vụ khoảng 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 32,8%.

Quảng Ninh phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách, tăng 48%; tổng thu đạt khoảng 2,21 nghìn tỷ đồng, tăng 53%. Khánh Hòa phục vụ gần 1 triệu lượt khách, tăng 21,5%; tổng thu đạt khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 53%.

Nghệ An phục vụ khoảng 950 nghìn lượt khách, tăng 22%; tổng thu đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ khoảng 626 nghìn lượt khách, tăng 25%; tổng thu đạt khoảng 712,8 tỷ đồng, tăng 12,49%. Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách, tăng 11,6%; tổng thu đạt khoảng 1,33 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%...

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội - 2 thị trường du lịch trọng điểm của cả nước tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Song lượng khách tăng so với năm ngoái của hai địa phương này vẫn thấp hơn nhiều các địa phương khác với mức tăng lần lượt là 2% và 4%. Trong khi tổng thu từ khách du lịch tại 2 thị trường trọng điểm này cũng chỉ tăng lần lượt là 3,4% (đạt khoảng 3,23 nghìn tỷ đồng) và 10% (khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng).

4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, đã tăng vượt cùng kỳ trước đại dịch; khách quốc tế tháng 4 đạt gần 1,6 triệu lượt; tính chung 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023.

Như vậy có thể thấy, số lượng tỉnh, thành phố đạt doanh thu nghìn tỷ năm nay nhiều hơn năm 2023 (5 tỉnh, thành phố). Đáng chú ý, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, điển hình như Quảng Ninh, Khánh Hòa tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu vui đối với ngành du lịch nói chung và các thị trường du lịch hút khách thời gian qua nói riêng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy, những kết quả vừa qua của ngành ngành du lịch đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, giữa cơ quan quản lý và điểm đến, doanh nghiệp lữ hành. Do đó, "quá trình tổ chức đón khách đã giảm thiểu tối đa tai nạn, sự cố đáng tiếc, tạo ấn tượng tốt đến du khách” - ông Thủy cho biết.

dsc_5695-1600x1200-.jpg
Ngành du lịch đang tiếp đà tăng trưởng, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Ảnh: N.Lộc

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua được ví như cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều hoạt động kích cầu, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai, tiêu biểu là Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế 2024... 

Bên cạnh đó, các sự kiện để tạo điểm nhấn thu hút du khách cũng được các địa phương triển khai tích cực với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật hấp dẫn. “Đây chính là bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức để thu hút du khách tới điểm đến” – ông Bình cho biết…

Bài học rút ra cho ngành du lịch... 

Dịp nghỉ lễ vừa qua là một trong những thời điểm “vàng” của ngành du lịch. Điều đáng mừng là các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đều tăng cả lượng khách lẫn doanh thu so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, phân tích sâu về vấn đề này, các chuyên gia du lịch cho rằng, có nhiều điều cần phải làm rõ để ngành du lịch rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp phát triển du lịch tốt hơn trong thời gian tới, trước hết là trong mùa cao điểm hiện nay. 

Trong đó, có hai vấn đề đáng lưu ý mà ngành du lịch cần có giải pháp để cải thiện tình hình.

Thứ nhất, du khách có xu hướng đi gần để di chuyển bằng các phương tiện như ô tô, tàu hỏa, thay vì máy bay như mọi năm. Vì thế, các điểm du lịch có sự chênh lệch về lượng khách đến, gây mất cân đối trong phát triển du lịch.

Thứ hai, trừ một số địa phương thực sự hấp dẫn du khách, còn lại mức chi tiêu của du khách tại các điểm đến còn rất thấp. Điều này phản ánh các điểm đến chưa thực sự tạo dựng được sức hút, đáng để cho khách bỏ tiền.

dsc_4484.jpg
Trong 5 ngày nghỉ lễ, lượng khách đến vùng Tây Nam bộ có tăng, nhưng lượng tăng thấp. Điển hình như Cần Thơ chỉ thu hút khoảng 285 nghìn lượt; tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 315 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá vé máy bay tăng cao, du khách hạn chế đi xa. Ảnh: N.Lộc

Phân tích cụ thể, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết, nhiều thị trường du lịch được coi là trọng điểm như Phú Quốc (Kiên Giang), Lâm Đồng… , đặc biệt là các tuyến du lịch miền Tây Nam Bộ lại không nằm trong danh sách điểm đến của du khách vừa qua, chủ yếu là do khách ngại di chuyển xa, tốn kém chi phí. 

Thực tế, giá vé máy bay trong nước đắt đỏ đến mức vô lý đã và đang ảnh hưởng đến mục tiêu kích cầu du lịch của các địa phương vừa qua. “Hệ quả là mức tăng trưởng của các địa phương không đều, trong khi điểm đến thì quá tải, có điểm đến lại vắng khách chỉ vì du khách không muốn tốn thêm chi phí bay, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ” - đại diện doanh nghiệp cho biết; đồng thời cảnh báo nguy cơ du khách sẽ gia tăng lựa chọn du lịch nước ngoài, thay vì trong nước vì giá máy bay nội địa quá cao.

Liên quan đến vấn đề giá vé máy bay nội địa quá cao, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, đây là vấn đề nghiêm trọng song ngành du lịch không thể tự giải quyết, mà đòi hỏi cần sự phối hợp từ ngành giao thông và các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Thủy “vấn đề này đang được xem xét nhưng sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều, vì bản thân ngành hàng không cũng đang gặp khó khăn”.

20231027_125213.jpg
Mức chi tiêu của du khách khi đến thị trường Việt Nam còn thấp. Ảnh: N.Lộc

Thậm chí, ngay cả tại thị trường thu hút đông du khách nhất là Thanh Hóa cũng có nhiều vấn đề cần đánh giá kỹ lưỡng. Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, lượng du khách tăng đột biến, doanh thu du lịch đạt cao nhưng mức chi tiêu của du khách đến Thanh Hóa lại thấp hơn bình quân của cả nước do lượng khách đến tỉnh đa phần là khách nội địa.

Điều này cũng cho thấy, ngành du lịch cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc đổi mới điểm đến, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách quốc tế, cũng như du khách ở xa đến và tăng mức chi tiêu, lưu trú.

Đối với các điểm đến du lịch có tiếng như Phú Quốc, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam bộ, các chuyên gia cho rằng, đặt trong bối cảnh ngành du lịch nói chung có nhiều bất lợi đòi hỏi các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp lữ hành cần phải đẩy mạnh xúc tiến, đổi mới điểm đến để tạo ấn tượng tốt, thu hút du khách./.

Cùng chuyên mục
Thấy gì qua kết quả tăng trưởng du lịch dịp nghỉ lễ "vàng"?