Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc-Ảnh: Sơn Tùng
10.246 đồng/m3 là giá nước của Nhà máy nước sông Đuống khi đến tay người tiêu dùng, đắt gần gấp đôi giá thành nước sạch Sông Đà, chưa kể “lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm”.
Sự chênh lệch này được thành phố Hà Nội giải thích là do chi phí đầu tư (Sông Đuống) lên tới 4.998 tỉ đồng. Công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Chuyên gia kinh tế, ĐBQH ủng hộ Kiểm toán Nhà nước vào cuộc
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính bày tỏ sự đồng tình phải có Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để kiểm toán trong những trường hợp tranh cãi về giá nước cao hay thấp như thế này.
"Chúng ta cần phải biết hoạt động tài chính của họ như thế nào, giá mà họ đưa ra đã hợp lý chưa.
Việc họ đơn phương quy định giá nước cao như vậy mà không hỏi ý kiến đại diện người dân tại vùng bị tác động nên kiểm toán là cần thiết. Hiện không ai có cơ hội, khả năng xem sổ sách của họ nên cần kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xem chi phí có minh bạch, có hợp lý hay không để đưa ra giá nước tạm tính này", chuyên gia này nói.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng,phải mời cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về giá nước để làm rõ thông tin, cũng như cách tính giá nước hiện nay. Việc này sẽ góp phần tăng cường sự minh bạch, để nhận được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân.
Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, nước là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu. Nếu có hiện tượng bất hợp lý khi tăng giá nước, cơ quan kiểm toán phải vào cuộc tính toán xem giá nước như thế có hợp lý hay không.
Kiểm toán được không?
Trao đổi với PV báo Lao Động về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay,nước liên quan đến cộng đồng, ảnh hưởng tới đời sống đông đảo nhân dân, là tài nguyên chung của quốc gia nên nếu có kiểm toán để minh bạch được giá nước là điều tốt.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện nay theo luật pháp, đối tượng Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán được quy định trong luật phải liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Đối với đầu tư tư nhân, doanh nghiệp tư nhân tự bỏ vốn 100% thì nằm ngoài phạm vi làm việc của Kiểm toán Nhà nước.
Cụ thể hơn, ông Phớc nói thêm: Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể thực hiện kiểm toán với các công trình của nhà nước giao cho tư nhân thực hiện. Những công trình đó được hoàn trả cho nhà nước sau một thời gian và doanh nghiệp tư nhân được một phần lợi sau khi hoàn thành và giao lại cho nhà nước.
Đối với các công ty nước tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể kiểm toán trong lĩnh vực môi trường như việc cấp phép nước hay nước có đảm bảo chất lượng hay không. Còn lại, về chi phí đầu tư, xây dựng thì Kiểm toán Nhà nước lại đang không “vào” được.