Giá xăng tăng và bài toán kiểm soát lạm phát

(BKTO) - Giá xăng dầu tăng cao kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng. Phản ánh tình trạng này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình, có chính sách can thiệp kịp thời, hiệu quả nhằm kiểm soát nguy cơ lạm phát tăng cao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.



                
   

Quang cảnh phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN sáng 02/6. Ảnh: VPQH

   
Tác động dây chuyền khi xăng tăng giá

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát. Các yếu tố bên ngoài tác động do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo như vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm… tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Theo đại biểu, bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần hai lần cùng kỳ các năm từ 2018 – 2021, tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Yến phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế…

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) chỉ rõ, trước tình hình, cách thức phòng, chống dịch Covid-19 của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt là tình hình kinh tế chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá các mặt hàng như: vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng, dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác.

“Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp và đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” – đại biểu phản ánh.

Xem xét giảm thuế, tăng năng lực sản xuất, cung ứng xăng dầu

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) đề nghị Chính phủ, các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước.

Theo đại biểu, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài, cần tính toán giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện để DN giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ DN về thuế, gói tín dụng và cam kết duy trì đầu ra, đi kèm với đó là những yêu cầu, điều kiện cụ thể về trách nhiệm để DN tham gia bình ổn giá.

Tiếp tục giảm thuế xăng dầu cũng là đề xuất được nhiều đại biểu đưa ra nhằm ổn định sản xuất, kiểm soát nguy cơ lạm phát.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị cần nghiên cứu tiếp tục giảm Thuế Bảo vệ môi trường và Thuế Tiêu thụ đặc biệt. “Kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt hiệu quả, bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ” - đại biểu nêu rõ.

Cùng với giảm thuế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến khích các chương trình bình ổn giá tại các địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng cao, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả gấp 2-3 lần so với thời điểm khai thác giá dầu thấp mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định, là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước, không quá nhạy cảm với biến động của xăng dầu thế giới khi phải nhập khẩu. Với nguồn thu tăng lên từ xăng dầu, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh được những tác động giá đẩy từ xăng dầu sang các mặt hàng khác.

Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập quốc tế, nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nước ngoài thì chống lạm phát là hết sức quan trọng.

Để chống lạm phát, theo Bộ trưởng, ngoài việc điều hành tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá thì giải pháp quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các DN, tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra sản phẩm, nâng cao được mức thu nhập của người dân và DN.

Trước ý kiến của các đại biểu về việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giảm thuế là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu. Hiện nay, các loại thuế trong giá xăng dầu chiếm khoảng 28%. Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đã giảm 50% Thuế Bảo vệ môi trường. “Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Bên cạnh giải pháp giảm thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần chú trọng vấn đề chống buôn lậu xăng dầu; đồng thời, thúc đẩy nguồn cung xăng dầu bằng cách nâng công suất của 2 nhà máy chế biến xăng dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
  • Đại biểu Quốc hội “hiến kế” đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành “căn bệnh trầm kha”, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập này.
  • Cà Mau đôn đốc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành; Công an tỉnh; Công ty Điện lực Cà Mau; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Bưu điện tỉnh; Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Công văn 1832 ngày 16/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
  • Chưa phát hiện gian lận về hóa đơn điện tử
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết tại Họp báo chuyên đề về hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay, 01/6.
  • 5 tháng, ước tính cả nước xuất siêu 516 triệu USD
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 5 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 62,69 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước (tương ứng giảm tới 3,09 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,84 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% (tương ứng giảm 258 triệu USD) so với tháng trước.
  • Khắc phục bất cập trong quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) đã dành thời gian phân tích về những bất cập trong quản lý, thu thuế chuyển nhượng bất động sản và đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu thuế lĩnh vực này.
Giá xăng tăng và bài toán kiểm soát lạm phát