Giải bài toán “kép" về số thu của ngành Thuế

(BKTO)- Khi số thu do ngành Thuế thực hiện có dấu hiệu khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để có thể hoàn thành nhiệm vụ "kép" vừa hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa đảm bảo số thu ngân sách, bài toán đặt ra cho ngành Thuế là không hề đơn giản.



                
   

Tiến độ thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 tại hầu hết các địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ - Ảnh: Thùy Linh

   

Số thu sụt giảm rõ rệt

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu NSNN 4 tháng đầu năm 2020 của toàn ngành đạt 426.734 tỷ đồng, bằng 34% so với dự toán pháp lệnh. Trong đó, số thu của tháng 4/2020 đạt rất thấp, ước đạt 75.000 tỷ đồng, bằng 6% so với dự toán pháp lệnh, chỉ bằng 65,3% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu này chính là nguyên nhân kéo giảm mức độ tăng thu của 4 tháng đầu năm 2020. Tiến độ thu tại hầu hết các địa phương đều đạt thấp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Tại Phú Thọ, theo báo cáo của Cục Thuế Phú Thọ, nếu như trong quý I, tổng thu ngân sách trên địa bàn bằng 37,6% dự toán, tăng 169% so với cùng kỳ thì đến tháng 4, số thu ngân sách trên địa bàn giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ các quy định hạn chế rượu, bia khiến sản lượng của hai doanh nghiệp sản xuất bia rượu lớn trên địa bàn đó là Công ty bia Sài Gòn - Phú Thọ và Công ty Cổ phần bia rượu Hà Nội - Hồng Hà giảm mạnh. Cùng với đó, việc gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP dù không ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách, nhưng số thu từng quý và bắt đầu từ tháng 4 trở đi đã bị ảnh hưởng.

Một địa phương khác cũng có số thu sụt giảm là Hải Phòng. Tính đến hết tháng 4, Cục Thuế Hải Phòng ước thu được hơn 9.433 tỷ đồng (bao gồm cả khoản 500 tỷ đồng tiền gia hạn nộp thuế), chỉ đạt trên 28% dự toán được giao. Số thu của đơn vị này sụt giảm chủ yếu là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như việc thực hiện các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo báo cáo của Cục Thuế Hải Phòng, số tiền gia hạn thuế trong tháng 4 của đơn vị là 500 tỷ đồng. Đặc biệt, cũng do dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, ngành Thuế đã tạm dừng công tác thanh tra, kiểm tra thuế nên kế hoạch tăng thu qua thanh tra, kiểm tra cũng có nhiều khó khăn…

Tại Cục Thuế Bắc Ninh, nguồn thu ở hầu hết các ngành, nghề, khu vực kinh tế đều bị ảnh hưởng. Trong đó, nặng nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ước cả năm có thể giảm thu ngân sách khoảng 650 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các DNNN Trung ương trên địa bàn cũng chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19 nên ước giảm thu cả năm khoảng 215 tỷ đồng. Đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, số thu ngân sách cả năm ước giảm 345 tỷ đồng. Theo tính toán của đơn vị này, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý II, tổng thu ngân sách của Bắc Ninh sẽ giảm khoảng 1.210 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài sang quí III thì sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng lớn hơn tới dự toán thu ngân sách.

Đồng bộ thực hiện giải pháp "kép"

Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN bù đắp thiệt hại do tác động của dịch bệnh gây ra, Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách, từ đó tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Đặc biệt, trong bối cảnh thu ngân sách đang bước vào giai đoạn khó khăn, để có thể hoàn thành nhiệm vụ "kép" là vừa hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa đảm bảo số thu ngân sách, ngành Thuế đã đề ra những nhiệm vụ bấp bách để các đơn vị quyết liệt thực hiện. Trước mắt, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đôn đốc tiến độ thu NSNN theo từng lĩnh vực, sắc thuế, địa bàn. Đồng thời, chuẩn bị xây dựng phương án ước thu năm 2020 trên cơ sở kịch bản mới do tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế các cấp sẽ tập trung triển khai kịp thời các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Đồng thời rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần hụt thu NSNN do dịch bệnh Covid-19 gây ra như: thu từ đất đai, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

Cùng với đó, toàn ngành Thuế sẽ tập trung đôn đốc thu ngân sách đối với một số khoản thu ngân sách Trung ương (dầu thô, khí thiên nhiên, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền sử dụng đất…). Đồng thời, tiếp tục theo dõi và báo cáo đánh giá tác động thu NSNN do dịch Covid-19 và thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng chống tác hại của rượu bia.

         
Theo Tổng cục Thuế, lũy kế đến ngày 7/5/2020, cả nước có trên 90.190 đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan Thuế. Như vậy, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn lũy kế tính đến ngày 7/5/2020 là trên 26.260 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 26.054 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng là 8.130 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 14.619 tỷ đồng, tiền thuê đất là 3.305 tỷ đồng); gia hạn đối với cá nhân là 207 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng và tiền thuế thu nhập cá nhân là 86 tỷ đồng, tiền thuê đất là 121 tỷ đồng).
   
   Hiện cơ quan Thuế đang tiếp tục tiếp nhận, phân loại xử lý đối với giấy đề nghị gia hạn của người nộp thuế. Đối với những giấy đề nghị gia hạn không đủ điều kiện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/ND-CP thì cơ quan Thuế sẽ báo cho người nộp thuế.
   
   Được biết, căn cứ dữ liệu quản lý của cơ quan Thuế, tính đến thời điểm cuối năm 2019, số lượng người nộp thuế thuộc diện được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP chiếm khoảng 98% tổng số người nộp thuế với tổng số thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn là khoảng 180.000 tỷ đồng.
Theo haiquanonline.com.vn
Cùng chuyên mục
Giải bài toán “kép" về số thu của ngành Thuế