Theo các chuyên gia, nợ xấu có xu hướng gia tăng trong năm 2020.Ảnh: TTXVN
Nợ xấu có xu hướng gia tăng
Kết thúc năm 2019, ngành ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống 1,89%; gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thì tổng nợ xấu khoảng 4,65%. Ngành ngân hàng đặt mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp phải rào cản từ Covid-19.
Báo cáo tài chính quý I/2020 mà các ngân hàng vừa công bố cho thấy, nợ xấu có xu hướng gia tăng. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kiên Long lên tới 6,62% so với mức hơn 1% cuối năm 2019, tỷ lệ này của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương tăng từ 1,96% lên 2,65%, Ngân hàng TMCP Quốc tế từ 1,96% lên 2,19%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín từ 1,94% lên 1,97%, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á từ 2,31% lên 2,34%...
Trước đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng nhiều tổ chức, chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ nợ xấu gia tăng trong năm nay. NHNN dự tính, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm nay. Nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém. Đáng lưu ý, tính đến giữa tháng 4, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội quan ngại, 2 triệu tỷ đồng trên có nguy cơ rơi vào nợ xấu và cũng là nguy cơ kéo lùi những thành quả cải thiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong những năm qua.
Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, khó khăn chung của nền kinh tế đã làm sụt giảm doanh thu của ngân hàng cũng như tăng rủi ro nợ xấu. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng nhận định, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa sẽ bị gián đoạn, dẫn đến gia tăng những khoản nợ xấu từ các DN sản xuất, thương mại và DN kinh doanh các lĩnh vực khác có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu dự báo, nợ xấu năm nay có thể lên đến 20% và còn cao hơn nếu dịch bệnh không được kiểm soát vào cuối tháng 6.
Tăng trích lập dự phòngrủi ro, không hạ chuẩntín dụng…
Nợ xấu có xu hướng gia tăng sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Do vậy, nhằm hạn chế tình trạng này, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng cần chủ động hỗ trợ, đồng hành với DN trong việc giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại nợ… để DN không rơi vào nhóm nợ xấu.
Giải pháp quan trọng nữa là ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra, các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro không mong muốn, bất khả kháng liên quan đến hoạt động cho vay. Tỷ lệ trích lập dự phòng cao thì ngân hàng sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.
Gia tăng nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự vững mạnh của hệ thống ngân hàng, đây vốn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. Từ quan điểm này, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - cho rằng, cùng với việc triển khai các gói hỗ trợ DN, ngân hàng cần có các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, uy tín, xếp hạng, các chuẩn mực về an toàn tín dụng, an toàn hoạt động. Những nỗ lực của ngân hàng trong suốt nhiều năm qua để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro cần tiếp tục được duy trì.
Đồng thời, theo các chuyên gia, ngân hàng phải siết chặt chất lượng tín dụng các khoản vay mới, tránh làm nợ xấu phát sinh thêm. Bài học về xử lý nợ xấu trong quá khứ vẫn còn đó. Sự nới lỏng điều kiện cho vay đối với các khoản tín dụng bất động sản từng là nguyên nhân gây bùng nổ nợ xấu vào năm 2008, đến nay, hệ lụy vẫn chưa giải quyết hết. Việc hạ chuẩn tín dụng có thể làm nợ xấu tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Do vậy, tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ DN và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã quán triệt các ngân hàng phải hỗ trợ tối đa khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song tuyệt đối không hạ chuẩn tín dụng, không nới lỏng điều kiện cho vay để tránh hệ lụy cho nền kinh tế.
Rõ ràng, nợ xấu không chỉ là câu chuyện của riêng ngành ngân hàng mà còn là vấn đề của cả nền kinh tế. Để giảm nỗi lo nợ xấu phát sinh, tránh hệ lụy cho nền kinh tế trong tương lai, theo quan điểm của các chuyên gia, ngoài các giải pháp, chính sách từ phía ngân hàng, chính sách hỗ trợ tài khóa, an sinh xã hội và một loạt các biện pháp khác của các Bộ, ngành liên quan cũng phải được triển khai đồng bộ, nhanh chóng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân và vực dậy nền kinh tế.
THÀNH ĐỨC