Giai đoạn 2013-2021, gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài

(BKTO) – Giai đoạn 2013-2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian tới, thay vì chỉ ưu tiên số lượng, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn phải chú trọng vào chất lượng.



                
   

Hội thảo tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh:molisa.gov.vn

   

Ngày 16/8, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp’’.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng.

Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể. Nhiều thị trường mới đã được mở ra như: Australia, New Zealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Giai đoạn 2013-2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, giai đoạn tới, Việt Nam bước vào thời kỳ “già hóa dân số” với tỷ lệ người cao tuổi đạt 14,17% tổng dân số và với gần 15,46 triệu người vào năm 2036.

“Vì vậy, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp nữa mà cần phải chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động, công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của lao động; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - đánh giá cao việc Việt Nam đã xem xét và tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các bên liên quan đối với công tác quản lý di cư lao động và tìm cách thúc đẩy, tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài.

Với sự tham gia của gần 300 đại biểu, Hội thảo tập trung thảo luận nhiều vấn đề: Thực trạng lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kết quả, hạn chế và nguyên nhân; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng làm việc; giải pháp chuyển đổi số gắn với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong quản lý lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động…

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, Ban Tổ chức sẽ nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại Hội thảo này để đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao nhất./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Giai đoạn 2013-2021, gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài