Giải ngân vốn đầu tư công ngành văn hóa: Khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư

(BKTO) - Là một trong những ngành có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch được giao, trong đó có việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đặc thù của ngành văn hóa.

15.jpg
Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh sưu tầm.

Giải ngân vốn còn chậm

Dự án cải tạo, nâng cấp Thư viện Quốc gia Việt Nam là một trong những dự án thuộc Bộ VHTTDL có sử dụng vốn đầu tư công năm 2022. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư là 92 tỷ đồng, khởi công năm 2019. Đến nay, dự án đã thực hiện hơn 90% khối lượng được phê duyệt, giải ngân được khoảng 70% vốn. Theo bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, việc giải ngân chậm chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các năm 2020-2021 dự án phải dừng tiến độ một phần bởi việc nhập khẩu các thiết bị bị gián đoạn; đồng thời đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án giai đoạn 1 theo mục tiêu đề ra vào cuối năm 2022.

Mặc dù giải ngân chậm, song đến nay, dự án nâng cấp Thư viện Quốc gia Việt Nam vẫn là dự án có tỷ lệ giải ngân cao của Bộ VHTTDL tính đến thời điểm này, khi phần lớn các dự án sử dụng vốn đầu tư công của Bộ có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 50% kế hoạch. Theo Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL), tính đến hết ngày 24/10/2022, Bộ VHTTDL đã giải ngân hơn 209 tỷ đồng trên tổng số 1.184 tỷ đồng (kế hoạch năm 2022 là 110 tỷ đồng; kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 99 tỷ đồng) đạt 17,71%. Dự kiến đến hết ngày 31/01/2023, Bộ VHTTDL sẽ giải ngân trên 660 tỷ đồng, đạt 55,77% kế hoạch.

Theo lý giải của Bộ VHTTDL, khó khăn trong giải ngân vốn có cả nguyên nhân khách quan là hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên phần lớn xuất phát từ công tác chuẩn bị, như: Lập dự toán chưa sát thực tế, đo đạc mặt bằng chưa chính xác, kiện toàn nội bộ nhưng ngưng trệ tiến độ các công việc khác.

Đây cũng là những hạn chế từng được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua thực tế kiểm toán về công tác đầu tư xây dựng tại Bộ VHTTDL trong nhiều năm liền. Cụ thể, nhiều dự án qua kiểm toán đều có sự điều chỉnh quyết định phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh, cắt giảm một số hạng mục làm ảnh hưởng tới mục tiêu đầu tư, hiệu quả khai thác, sử dụng công trình; việc thiết kế, lập dự toán chưa tốt, dẫn đến quá trình thi công phải điều chỉnh; công tác nghiệm thu, thanh quyết toán chưa đúng quy định…

Tập trung tháo gỡ những khó khăn đặc thù

Trước tình hình giải ngân kế hoạch 2022 đạt thấp, Bộ VHTTDL đã ban hành các công văn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2022. Bộ sẽ kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng thực hiện; điều chuyển vốn cho các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt đang thiếu vốn… Hiện, Bộ VHTTDL đang thực hiện quy trình đề xuất, xin điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2022 để điều chuyển cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác số tiền gần 500 tỷ đồng…

Là một trong những đơn vị có tốc độ giải ngân chậm thuộc Bộ VHTTDL, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đơn vị đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân. Trong đó, đơn vị chú trọng việc lập kế hoạch giải ngân cụ thể, chi tiết cho từng dự án; tăng cường cử cán bộ có trình độ tham gia giám sát quá trình thi công, đảm bảo không ảnh hưởng đến các yếu tố nghệ thuật của công trình, đồng thời cũng là một di tích văn hóa.

Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia đặt ra khi triển khai các dự án đầu tư công đối với văn hóa. Theo các chuyên gia, so với dự án đầu tư của nhiều lĩnh vực khác, các dự án của Bộ VHTTDL cơ bản là thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng, nhưng lại có khó khăn do đặc thù gắn với văn hóa, nghệ thuật, đòi hỏi những yêu cầu riêng, khắt khe hơn rất nhiều; hoặc có nhiều phát sinh trong quá trình thực hiện. Đơn cử, với Thư viện Quốc gia Việt Nam, ngoài chức năng như một thư viện, thì đây còn được coi là một di sản văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị. Do đó, “không thể áp định mức, chuẩn mực như những công trình dân dụng bình thường dẫn tới việc một thời gian ngắn lại phải sửa chữa, khiến các di sản bị hư hại...” - một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa nói và cho rằng, việc ứng xử với các công trình văn hóa đòi hỏi phải có sự hài hòa, không thể cứng nhắc, kể cả trong đầu tư xây dựng.

Từ thực tiễn kiểm toán, một kiểm toán viên Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III - cho biết, dù có những đặc thù nhất định, song khi các phương án thiết kế, dự toán dự án đã được duyệt, việc triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định quản lý nhà nước về đầu tư, thanh quyết toán, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn được giải ngân. Đây là yêu cầu hàng đầu, là nguyên tắc bất di bất dịch đối với bất cứ hoạt động đầu tư nào có sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Đối với những đặc thù về văn hóa, yêu cầu riêng trong các dự án này, Bộ VHTTDL, cùng các đơn vị trực thuộc có thể khắc phục bằng cách chú trọng thiết kế, thẩm định từ khâu chuẩn bị, đồng thời tăng cường giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo việc thi công dự án theo đúng thiết kế ban đầu./.

Cùng chuyên mục
Giải ngân vốn đầu tư công ngành văn hóa: Khắc phục khó khăn, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư