Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, cần chủ động các phương án ứng phó

(BKTO) - Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, với đặc điểm chung là nguồn lực hạn chế và chịu nhiều thiệt hại trước các biến động rủi ro từ thị trường, như các đợt tăng chi phí đầu vào kéo dài.

tb.jpg
Chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại. Ảnh minh họa: Thời báo Ngân hàng

Chi phí đầu vào tăng cao làm khó thêm doanh nghiệp

Trong khi đó, GS. Michael Porter - Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cho rằng một trong ba chiến lược cạnh tranh phổ biến của doanh nghiệp là chiến lược chi phí thấp, nhất là tại các quốc gia đang phát triển và có nền kinh tế tăng trưởng.

Đối mặt với thách thức trên thì chiến lược chi phí thấp của các doanh nghiệp sẽ bị phá sản vì lúc này mặt bằng giá cả đầu vào lên cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất và kết quả các doanh nghiệp phải đối diện với tình trạng mất khách hàng cho các doanh nghiệp lớn nếu như phải cạch tranh với giá bán sản phẩm ngang bằng nhau - PGS,TS. Lê Thanh Tùng, Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh nhận định.

GS. David Begg - Học viện Imperial College London (Anh) cũng cho rằng các tác động tiêu cực của việc tăng giá đầu vào đến hoạt động của các doanh nghiệp là rất lớn. Các chi phí đầu vào quan trọng tăng giá sẽ phá vỡ các kế hoạch sản xuất trong ngắn hạn và trung hạn của doanh nghiệp.

Hơn hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dần phục hồi với mức tăng trưởng dương 5,2% trong quý IV/2021 và giữ được mức tăng 5,1% trong quý I/2022, tăng lên 7,7% trong quý II/2022 và lên tới 13,67% trong quý III/2022.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra mức dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt 7,5% trong cả năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm 2022 phụ thuộc phần lớn vào động lực và thành quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tăng trưởng chung của nền kinh tế có thể đạt cao khi tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thuận lợi và trong bối cảnh đại dịch bị dập tắt trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào sản xuất đang đặt ra các nguy cơ, thách thức lớn cho các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam trong việc thúc đẩy sự gia tăng sản lượng ở cấp độ vi mô, cũng như việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dưới góc độ vĩ mô.

Trong bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, bao gồm rủi ro về tăng trưởng kinh tế trong nước có thể chậm lại do sức cầu suy yếu từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như thị trường EU, khu vực Bắc Mỹ, thị trường Trung Quốc, cũng như trước áp lực của thị trường trong nước khi mà lạm phát gia tăng đang đặt lãi suất vào xu thế gia tăng trong ngắn hạn, chi phí xăng dầu tăng đột biến, giá xi măng và vật liệu xây dựng đang neo ở mức cao và tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa thực sự đột phá và có dấu hiệu chậm nhiều so với kế hoạch.

Cùng với đó, áp lực gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng cuối năm rất cao do mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng gia tăng liên tục.

Doanh nghiệp cần chủ động phương án ứng phó

PGS,TS. Lê Thanh Tùng bình luận, hiện tại, mức lãi suất huy động vốn tăng lên trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng đang ngày càng gay gắt đã dần đẩy mức lãi suất cho vay lên các mức cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

l.jpg
Lãi suất không ngừng tăng cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Lạm phát gia tăng lại tiếp tục tác động đến chính sách tiền tệ khi mà chính sách quan trọng này nhìn chung đang trong xu hướng thận trọng. Bên cạnh đó, tác động ở vòng thứ hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng quý III/2022 tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2021 và cũng đẩy tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam lên mức khá cao so với các nền kinh tế trong khu vực.

Từ đó, bắt buộc các nhà điều hành chính sách không thể giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong bối cảnh lãi suất thế giới ở mức cao vì điều này dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng vốn từ Việt Nam đến nơi lãi suất cao để gia tăng lợi ích.

Mặt bằng lãi suất tăng lên không những làm giảm khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp mà còn làm gia tăng tình trạng thua lỗ, phá sản. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng qua đã có 122,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, bình quân một tháng có 12,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong khi đó, theo đánh giá của WB thì tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao trên thế giới, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đã đạt 124% - là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn vì mặt bằng lãi suất gia tăng thì rất nhiều các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu do làn sóng phá sản của doanh nghiệp.

Bàn về giải pháp giảm áp lực gia tăng giá đầu vào cho doanh nghiệp, PGS,TS. Lê Thanh Tùng cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc thực hiện các dự án mới hoặc mở rộng các chuỗi kinh doanh. Việc hạn chế tối đa sử dụng vốn là việc làm cần thực hiện đầu tiên nhằm giữ ổn định, phát triển bền vững trong bối cảnh chi phí vốn vay đang diễn biến khó lường.

Nếu lạm phát liên tục gia tăng làm cho lãi suất gia tăng thì nguy cơ đổ vỡ trong các doanh nghiệp sẽ xảy ra vì sau 2 năm đại dịch Covid-19 thì nguồn lực của doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi.

Để ứng phó với vấn đề giá xăng dầu đang leo thang, cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu các phương án kinh doanh trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục diễn biến khó lường. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc mạnh mẽ để cắt giảm chi phí sản xuất thông qua tinh gọn bộ máy. Việc quản trị rủi ro cần được nâng cao khi mà giá xăng dầu là yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, nằm ngoài khả năng chi phối của doanh nghiệp.

Hiện nay, tuy sức mua của thị trường trong nước đang dần phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, là yếu tố thúc đẩy nguồn cầu của nền kinh tế tăng lên cao trong năm 2022, nhưng cước phí vận chuyển đang là một vấn đề nan giải trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng.

Do đó, PGS,TS. Lê Thanh Tùng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tối đa lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và tích hợp các mô hình quản lý kho vận tiên tiến nhằm tiết giảm tối đa chi phí, cũng như gia tăng hiệu quả của hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Về các rủi ro đến từ biến động vĩ mô, các doanh nghiệp cần phải thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cho các biến động bất thường của nền kinh tế, chẳng hạn như quỹ dự phòng biến động tỷ giá, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc ứng phó với tình hình.

Cùng chuyên mục
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp, cần chủ động các phương án ứng phó