Nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân
Số liệu thống kê cho thấy, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN trong 7 tháng năm 2018 ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ đạt 119.368 tỷ đồng, bằng 38,66% kế hoạch). Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 41,09% kế hoạch được giao, gồm: vốn trong nước đạt 45,35%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 17,53%, vốn các CTMTQG đạt 26,31%; vốn nước ngoài đạt 24,7% kế hoạch được giao.
Bên cạnh một số Bộ, ngành T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, vẫn còn nhiều Bộ, ngành T.Ư và địa phương có số giải ngân thấp. Cụ thể, 31/56 Bộ, ngành T.Ư và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng năm 2018 thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 11 Bộ, ngành T.Ư giải ngân dưới 10%; một số Bộ, ngành T.Ư chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP. HCM phải tạm dừng thi công vì chậm giải ngân - Ảnh: SOHA
Phân tích nguyên nhân, Bộ KH&ĐT nêu rõ, tình hình giải ngân vốn trong nước và trái phiếu chính phủ gặp khó khăn do một số dự án khởi công mới được thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ vẫn đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng hoặc đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công, giải phóng mặt bằng, hoặc vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành đã phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư hoặc đang trong giai đoạn kiểm toán quyết toán các gói thầu...
Nguyên nhân nữa là do những vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn trong nước. Chẳng hạn, vốn thuộc Chương trình Hỗ trợ nhà ở người có công (giai đoạn 2) hiện vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn do thay đổi cơ chế cho phù hợp với Luật Đầu tư công nên một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện.
Vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 bố trí cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là 4.190 tỷ đồng; tuy nhiên, căn cứ khả năng giải ngân của các dự án trong năm, Bộ GTVT chỉ đăng ký nhu cầu phân bổ 2.586,115 tỷ đồng. Số kế hoạch còn lại (1.603,885 tỷ đồng), Bộ KH&ĐT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách của các Bộ, ngành, địa phương khác.
Về tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài, theo Bộ KH&ĐT, khó khăn là do một số dự án phải làm thủ tục gia hạn giải ngân, một số dự án gặp vướng mắc trong ký kết hợp đồng cho vay lại; một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối nên tiến độ giải ngân không đều…
Về tình hình thực hiện vốn CTMTQG, việc phân bổ vốn của các địa phương chậm so với quy định làm chậm tiến độ giải ngân; có xã, huyện chậm hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án khởi công mới sử dụng nguồn ngân sách T.Ư thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, những dự án dự kiến khởi công mới năm 2018 nhưng có quyết định phê duyệt sau ngày 31/10/2017 nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch và giải ngân theo quy định. Nguyên nhân đáng chú ý nữa là hầu hết các dự án đầu tư thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững đều không đáp ứng tiêu chí “có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình” để áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định của Chính phủ, điều này làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Nâng cao hiệu quảsử dụng vốn
Giữ quan điểm như đã trình Chính phủ trước đó, Bộ KH&ĐT đang tiếp tục đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 giữa các Bộ, địa phương.
Với tổng mức vốn trái phiếu chính phủ mà Quốc hội cho phép phát hành năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các Bộ, địa phương là 43.422,315 tỷ đồng; còn 6.577,685 tỷ đồng chưa được giao kế hoạch do dự án đề xuất chưa đủ thủ tục đầu tư hoặc Bộ, địa phương đề xuất kế hoạch năm 2018 giảm so với dự kiến theo khả năng thực hiện, giải ngân trong năm.
Theo các Bộ và địa phương, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, Bộ KH&ĐT nên đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 giữa các Bộ, địa phương. Cụ thể: điều chỉnh giảm 1.630,544 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ năm 2018 đến nay chưa phân bổ chi tiết của Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời, không điều chuyển, giữ lại 4.947,141 tỷ đồng cho Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai để tiếp tục phân bổ kế hoạch năm 2018 cho các dự án cần thiết, gồm: 4.500 tỷ đồng dự kiến bố trí cho tỉnh Đồng Nai thực hiện Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; 447,141 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Bộ GTVT để thực hiện 2 dự án sử dụng vốn dư Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó, bổ sung 1.364,458 tỷ đồng cho Bộ Quốc phòng và 21 địa phương để thực hiện các dự án thuộc Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; các dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vốn trái phiếu chính phủ và 2 dự án giao thông của tỉnh Kiên Giang.
Các Bộ và địa phương cũng đề xuất Bộ KH&ĐT trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chuyển 266,086 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2018 của các Bộ, địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết để bổ sung cho các dự án ODA đang thiếu vốn triển khai trong năm 2018.
Điểm danh những Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trong 7 tháng năm 2018, Bộ KH&ĐT cho biết, 5 Bộ, ngành T.Ư và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60% kế hoạch, trong đó có 2 Bộ, ngành và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch. |
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 09-8-2018