Thời gian qua, KTNN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KTMT. Ảnh: Minh Thúy
Nếu như trong giai đoạn trước đây, KTNN chủ yếu thực hiện lồng ghép nội dung liên quan đến môi trường trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, mà phần lớn là các cuộc kiểm toán tài chính kết hợp kiểm toán tuân thủ thì đến nay, các cuộc KTMT đã được thực hiện dưới hình thức kiểm toán hoạt động theo thông lệ quốc tế, tập trung đi sâu đánh giá theo các tiêu chí 3E (kinh tế, hiệu lực, hiệu quả). Một số cuộc kiểm toán nổi bật phải kể đến như: KTMT khu kinh tế, khu công nghiệp, hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu, quản lý chất thải y tế; cuộc kiểm toán việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy; cuộc kiểm toán hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; cuộc kiểm toán quản lý bảo vệ môi trường Khu kinh tế Nghi Sơn.
Kết quả kiểm toán cho thấy, các địa phương ban hành văn bản quản lý còn thiếu cơ sở pháp lý, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện; việc phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và phòng Tài nguyên và Môi trường chưa đem lại hiệu quả mong muốn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường hoặc trong công tác thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế, không kịp thời.
Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát và việc quản lý, sử dụng các hồ sơ, dữ liệu môi trường còn chồng chéo; nhiều khu công nghiệp chưa xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý nước thải tập trung trong nhiều năm qua… Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung trên 20 văn bản hướng dẫn, quy định về lĩnh vực môi trường, cùng với đó là hàng loạt các giải pháp, đề xuất phù hợp, mang tính thực tiễn cao tới các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Vũ Văn Hồng, công tác thực hiện KTMT hiện nay tại KTNN vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống chuẩn mực, quy trình kiểm toán đối với loại hình này đang tiếp tục được hoàn thiện. Công tác lập kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán phụ thuộc chủ yếu vào mẫu biểu của kiểm toán hoạt động, phụ thuộc vào các kiểm toán viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực KTMT.
Các kết quả kiểm toán chưa đạt được mục tiêu đánh giá 3E theo tiêu chuẩn của INTOSAI và ASOSAI mà chủ yếu tập trung vào yếu tố tuân thủ đối với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường và một số cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép nội dung, yếu tố môi trường. Đặc biệt, hiện nay, do KTNN không có chức năng định giá các thiệt hại gây ra do các hệ lụy về môi trường, vì vậy, để xác thực, đoàn kiểm toán chỉ có thể thuê các đơn vị tư vấn độc lập đánh giá để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Mặt khác, nhận thức và dư luận xã hội về lĩnh vực KTMT còn nhiều hạn chế; Việt Nam cũng chưa xây dựng được ngân hàng dữ liệu về môi trường của quốc gia; cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường còn chưa hoàn thiện, trong khi đây là kênh thông tin hết sức quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán.
Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế được chỉ ra, đại diện KTNN chuyên ngành III đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ KTMT trong giai đoạn tới.
Theo đó, khi xây dựng đề cương kiểm toán cần đảm bảo đầy đủ nội dung, có tính thực tiễn và khả thi khi thực hiện; đề cương kiểm toán đảm bảo là tài liệu “cầm tay chỉ việc” đối với các kiểm toán viên chưa có kinh nghiệm thực tế đối với nội dung kiểm toán này. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm toán đảm bảo xác định đúng trọng yếu kiểm toán, từ đó xác định các nội dung, tiêu chí phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội, bám sát thực tế và mang tính khả thi để có những kiến nghị xác đáng về cơ chế, chính sách trong công tác bảo vệ môi trường trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, cần bố trí đủ số lượng kiểm toán viên với các kỹ năng, năng lực thích hợp. Trước khi thực hiện kiểm toán cần tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, đảm bảo các kiểm toán viên tham gia kiểm toán có đủ kiến thức căn bản về nội dung kiểm toán cũng như công nghệ sử dụng trong công tác bảo vệ môi trường; thuê các chuyên gia tư vấn (nếu cần thiết) đối với các cuộc kiểm toán có tính chuyên môn kỹ thuật cao…
Đại diện KTNN chuyên ngành III cũng kiến nghị cần cho phép áp dụng cả ba loại hình kiểm toán cho lĩnh vực KTMT (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động); khuyến khích lồng ghép yếu tố môi trường vào các cuộc kiểm toán thường xuyên hằng năm.
Đặc biệt, về mặt pháp lý, cần hoàn thiện xây dựng Quy trình KTMT, hướng dẫn và hệ thống hồ sơ mẫu biểu về KTMT; chuẩn mực kiểm toán (trình tự, thủ tục và phương pháp thực hiện KTMT). Trong đó, chú trọng tới việc xây dựng hệ thống tiêu chí, chương trình kiểm toán chi tiết, phương pháp kiểm toán phù hợp với nội dung, mục tiêu kiểm toán là nội dung then chốt, đảm bảo thành công khi triển khai một cuộc kiểm toán. Song song đó, kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng, ban hành các nghị định về công tác KTMT, đặc biệt là xác định quyền hạn và trách nhiệm của KTNN trong công tác KTMT; nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện chức năng kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, bổ sung nội dung cụ thể về KTMT trong Luật KTNN; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về KTMT một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, giúp kiểm toán viên thu thập thông tin để lựa chọn chủ đề kiểm toán tiềm năng, hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán từng năm cũng như kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn; giúp kiểm toán viên xác định trọng yếu và rủi ro, xây dựng nội dung, tiêu chí của cuộc kiểm toán có căn cứ và mang tính khả thi cao.
Đặc biệt, Phó Kiểm toán trưởng Vũ Văn Hồng đề xuất, cần chú trọng tăng cường năng lực về KTMT cho kiểm toán viên như: tăng cường phương pháp quan sát hiện trường giúp cho kiểm toán viên củng cố bằng chứng, đối chiếu hồ sơ thu thập được tại đơn vị nhằm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo tính chính xác của nội dung báo cáo; trang bị cách sử dụng một số thiết bị đo đạc nhằm xác định các rủi ro về môi trường tại thời điểm kiểm tra hiện trường; cập nhật các công nghệ xử lý, công nghệ giám sát môi trường cho kiểm toán viên; đưa các chuyên đề về KTMT vào các lớp đào tạo tập huấn hằng năm; tổ chức hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo chuyên môn về môi trường, KTMT… Đồng thời, tăng cường nhận thức về KTMT đối với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và nội bộ KTNN.
KTNN cũng cần nâng cao cơ cấu tổ chức về nhân sự cả về quy mô và chất lượng, vì hiện nay mới chỉ có 1 phòng KTMT thuộc KTNN chuyên ngành III; bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện thuê chuyên gia trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, chú trọng công tác khảo sát để xác định chính xác trọng yếu kiểm toán, nâng cao chất lượng kiến nghị kiểm toán, nhằm giúp đơn vị được kiểm toán cải thiện công tác quản lý bảo vệ môi trường và cảnh báo những tác động tiêu cực đối với môi trường trong tương lai.
Đ.KHOA