BHXH Việt Nam cho biết, năm 2016 có khoảng 15,9 triệu sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%. Đến năm 2017 có trên 16 triệu HSSV tham gia (chiếm trên 93%) và thống kê đến tháng 4/2019 đã có trên 17 triệu học sinh tham gia BHYT, chiếm hơn 94%. Như vậy, còn khoảng 6% nhóm đối tượng HSSV chưa tham gia BHYT, chiếm gần 1 triệu HSSV. “Đây là điều mà chúng tôi đang suy nghĩ và trăn trở để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng mà mục tiêu phấn đấu là phải đạt nhanh, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ đến 100% theo chỉ đạo Chính phủ cũng như theo mong muốn, quyết tâm chính trị của cả hệ thống”- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chia sẻ.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để bao phủ BHYT đối với HSSV- Ảnh: ST |
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lơi nhấn mạnh: HSSV là lực lượng nòng cốt, là thế hệ trẻ chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai. Việc tham gia BHYT không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV mà nó còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân HSSV đối với cộng đồng và đối với xã hội. Cho nên dù có một ít tỷ lệ HSSV không tham gia BHYT cũng là một điều chúng ta phải suy nghĩ.
Phân tích về nguyên nhân khiến BHYT HSSV chưa được bao phủ không nhanh, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đó là do chúng ta chuyển BHYT HSSV từ tự nguyện sang bắt buộc và theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhiều HSSV chưa tham gia vì chính sách của chúng ta chưa cởi mở. “Nếu HSSV tham gia theo mô hình hộ gia đình thì hãy cho các cháu tham gia để được đảm bảo yêu cầu là từ hộ khẩu thứ ba trở đi là được giảm và đến người thứ tư, thứ năm là hoàn toàn có thể được miễn giảm. Đây là chính sách tốt, những chúng ta chưa thực hiện tốt chính sách này”- ông Lợi dẫn chứng.
Cũng theo ông Lợi, để bao phủ BHYT HSSV thì nhà trường, các cơ sở giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục vận động làm cho HSSV biết được mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc tham gia BHYT, để chăm lo sức khỏe cho các cháu. Việc giáo dục tuyên truyền để cho HSSV chuyển biến nhận thức là những điều hết sức quan trọng.
Mặt khác, trong cách thức tổ chức triển khai thực hiện, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam với nhà trường với ngành giáo dục đào tạo để làm sao không có bất kỳ một HSSV nào không tham gia BHYT.
Đồng tình quan điểm trên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu sát, hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của HSSV trong việc tham gia vào BHYT trong xã hội hiện nay. Trước hết là tâm lý cậy sức khỏe, tuổi trẻ nên chưa nhận thức được việc tham gia BHYT là rất cần thiết cho chính mình và cộng đồng những người xung quanh mình; không thực hiện các nguyên tắc của nguyên lý là tham gia BHYT khi khỏe để sử dụng khi ốm đau bệnh tật. Đồng thời, tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương.
Thực tế triển khai chính sách BHYT HSSV thời gian qua cho thấy, các cơ sở giáo dục chưa tuyên truyền, phổ biến rõ cho phụ huynh HSSV biết việc thu BHYT là trách nhiệm của cả gia đình và nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của các em. Điều này dẫn đến hiểu nhầm, thậm chí là hiểu sai bản chất ưu việt, tính nhân văn trong chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại. Đây là hạn chế, bất cập cần sớm được chấn chỉnh.
GIA HUY