Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: diendankinhte.quochoi.vn |
Khả năng hấp thụ vốn vào nền kinh tế đang thấp
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế, có hai “chỉ báo” quan trọng là tốc độ giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Hiện nay, cả hai yếu tố này đều đang chậm. Đến nay, giải ngân đầu tư công chưa đạt 70% và khó về đích khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt trên 8%, còn thấp so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế. Như vậy khả năng hấp thụ vốn vào nền kinh tế đang khá thấp.
Song “điều nguy hiểm hơn” là nguồn vốn đó có thực sự chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay chệnh hướng? Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, để đo lường hoạt động này có thể dùng tỷ lệ vốn đầu tư so với giá trị sản xuất tạo ra. Nếu hiệu quả thì 1 đồng đầu tư đưa vào sẽ tạo ra giá trị lớn hơn 1 đồng. Còn ở nước ta hiện nay, đầu tư 100 đồng thì mới tạo ra giá trị 70-80 đồng. Nguyên nhân một phần thất thoát đầu tư vào tiêu dùng, đẩy rủi ro là giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng. Phần nữa là tiền đó đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên.
Thông thường, thị trường chứng khoán tăng thường do sức khỏe của nền kinh tế mạnh lên nhưng hiện nay chứng khoán tăng nhanh mà kinh tế tăng trưởng chậm. Điều này chứng tỏ tiền đổ vào nhiều làm chứng khoán tăng, cho thấy sức hấp thụ vốn “có vấn đề” - đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích thêm.
Hướng dòng tiền vào các lĩnh vực tạo ra sự phát triển
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, không thể vì thế mà không tăng nguồn lực hỗ trợ, vấn đề là phải giải quyết được điểm nghẽn trong hấp thụ vốn. Theo đó, cần đẩy nhanh đầu tư công, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, kiểm soát dòng tiền đó chảy vào khu vực mong muốn đầu tư – đây cũng là yếu tố quan trọng nhất.
Trong đó, về tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng, ngoài các giải pháp đã có, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, DN không chỉ trông chờ giảm hay được hỗ trợ lãi suất, mà ngay cả với lãi suất hiện nay DN còn khó tiếp cận được. Vì vậy, ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn theo hướng cho vay không quá phụ thuộc vào tài sản bảo đảm, thế chấp mà nên đồng hành với DN để giải ngân theo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, với việc thanh toán không tiền mặt đang được phát triển nhanh hiện nay, ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong quản lý dòng tiền để hạn chế dòng tiền chệch hướng khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với đầu tư công, nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt cần giải pháp đặc biệt, ông Hoàng Văn Cường đề xuất, cần đặt hàng tư nhân giải ngân đầu tư công, chứ không chỉ các cơ quan nhà nước như quy trình truyền thống. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực tạo ra cơ hội phát triển như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
“Các chính sách hiện nay chủ yếu về phục hồi, còn về phát triển bền vững, đột phá chưa được nói nhiều. Đây là giai đoạn Chính phủ cần dùng vốn đặt hàng để phát triển những ngành trụ cột như nhà ở, đường sắt đô thị, dịch vụ hậu cần tàu biển… Chương trình phục hồi phải gắn chặt chẽ với tái cấu trúc nền kinh tế, để nền kinh tế không chỉ phục hồi mà gắn với phát triển bền vững” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.