Giải quyết thách thức về nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế

(BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng lao động trực tiếp tham gia sản xuất, có kỹ năng tay nghề cao ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trong khi lực lượng lao động này đang thiếu hụt, thì số lượng tham gia học nghề lại sụt giảm, nhiều lao động vẫn chưa mặn mà với học nghề, từ đó gây ra rào cản ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế.



                
   

Nhu cầu nguồn lao động trực tiếp, có kỹ năng tay nghề cao gia tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Ảnh sưu tầm.

   

Tuyển sinh đào tạo nghề không đạt chỉ tiêu đề ra

Đánh giá chung công tác tuyển sinh, đào tạo năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, qua đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động GDNN. Năm 2021 là năm đầu tiên công tác tuyển sinh, đào tạo trong GDNN không hoàn thành được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Cụ thể, tính chung cả năm 2021, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh được hơn 2 triệu người, đạt 85% so với kế hoạch đề ra (trình độ cao đẳng tuyển sinh 210 nghìn người, đạt 81% so với kế hoạch, trình độ trung cấp tuyển sinh được 280 nghìn người, đạt 82% kế hoạch… )

Nói về những khó khăn đối với công tác tuyển sinh GDNN, tại cuộc họp để nắm bắt tình hình và bàn về các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo GDNN năm 2022 diễn ra gần đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, có những khó khăn do các yếu tố ảnh hưởng đã được nhận diện qua nhiều năm như: tuyển sinh đại học quá rộng, dễ dàng hơn trước; các DN tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở với mức lương và nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn; công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề chưa tốt; khó khăn về kinh tế của nhiều gia đình...

Bên cạnh đó, công tác tổ chức đào tạo GDNN cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho nhiều cơ sở đào tạo phải học trực tuyến, trong khi đặc thù của GDNN là thời lượng thực hành, thực tập sản xuất tại DN nhiều, dẫn đến một số trường hợp không đạt hiệu quả như mong muốn; nhiều DN gặp khó khăn hoặc ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới việc đưa học sinh tới DN thực tập…

Bước sang năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh nghề năm 2022 đã được các trường khẩn trương tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm. Kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với năm 2021, song nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu, khi số lượng thí sinh đăng ký học nghề vẫn khá dè dặt.
         
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người...

Tận dụng mọi giải pháp để thu hút nguồn tuyển sinh

Khi dịch bệnh đã dần được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại, đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho DN và thị trường lao động để đảm bảo phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
                
   

Các trường cần đổi mới công tác tuyển sinh, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh sưu tầm.

   

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đã có các văn bản để kịp thời chỉ đạo công tác tổ chức thực hiện tuyển sinh, trong đó lưu ý các địa phương, cơ sở đào tạo cần đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực ngành, nghề (Y tế, Du lịch, dịch vụ, Logistics...) đang thiếu hụt số lượng lớn lực lượng lao động do mở cửa trở lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau đại dịch, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của DN và thị trường.

Nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế đặc thù như tặng tiền, hỗ trợ học phí, học bổng cho học sinh tham gia học nghề. Bên cạnh đó, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học từ đó, thu hút học sinh, đẩy mạnh tuyển sinh.

Theo đại diện Tổng cục GDNN, trong bối cảnh GDNN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tính năng động, sáng tạo, đổi mới cách thức thu hút nguồn tuyển sinh, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo trở nên vô cùng cần thiết.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hải Dương cho biết, để thu hút tuyển sinh GDNN, Sở đã tổ chức các ngày hội tuyển sinh gắn với cơ hội việc làm, đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình tỉnh để tuyên truyền thông tin. Tỉnh cũng có những biện pháp khác để thu hút học sinh như tăng cường liên kết đào tạo với DN, cam kết việc làm sau khi ra trường...

Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ để thu hút tuyển sinh và mang lại kết quả khả quan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai Hoàng Quang Đạt cho biết, thay vì chỉ dựa vào các phương thức truyền thống, Nhà trường đã sử dụng mạng xã hội, Tik Tok... để thu hút người dân quan tâm, đặc biệt là đối tượng học sinh. “Để làm truyền thông theo cách mới cần phải chấp nhận đầu tư kinh phí, song quan trọng hơn là phải có tư duy đổi mới trong cách làm” - ông Đạt lưu ý.

Chia sẻ một cách làm hiệu quả khác, đại diện Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội cho biết, nhờ có những biện pháp đổi mới trong đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo với DN, cam kết việc làm cho người học, Trường tự tin cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học top dưới.

Khi người học có được sự đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có việc làm và mức thu nhập ổn định sau tốt nghiệp sẽ là yếu tố then chốt giúp cho một số cơ sở GDNN không phải chật vật với nguồn tuyển sinh hằng năm. Cùng với các cam kết đó, việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo rõ ràng của nhà trường sẽ là điểm nhấn thu hút người học.

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, để tăng cường đào tạo nguồn lao động cho phát triển kinh tế, ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục GDNN cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các DN nhỏ và vừa; đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người lao động bị thất nghiệp và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở GDNN tăng cường đào tạo nghề cho lao động gắn với chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động... "Đây vừa là giải pháp mang lại hiệu quả tức thì, nhưng đồng thời có tác động lâu dài, bền vững đến thị trường và yêu cầu phát triển của nền kinh tế" - ông Dũng cho biết.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Giải quyết thách thức về nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế