Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 4: Tạo bước chuyển biến đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Nguyễn Hồng - Nguyễn Lộc | 05/09/2023 11:56

(BKTO) - Không chỉ là cuộc “tổng rà soát” để nhận diện rõ những nguyên nhân khiến nhiều kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng, quá trình chuẩn bị cho Phiên giải trình đã mang đến những hiệu ứng tích cực, với số lượng lớn các kiến nghị kiểm toán “treo” qua nhiều năm đã được thực hiện ngay trong quá trình rà soát.

z4944195625273_3ce60d2b843d706cb7e7565752a6bf9e.jpg
Thông qua rà soát kiến nghị đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động để thực hiện tốt kiến nghị của KTNN, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, cử tri. Ảnh: Nguyễn Lộc

Nhận diện rõ rào cản trong thực hiện kiến nghị kiểm toán

Với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và sự nỗ lực, quyết tâm của KTNN, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, kết quả rà soát, đôn đốc cho thấy, còn không ít kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời do nhiều nguyên nhân.

"Việc nhận diện rõ các nguyên nhân này cũng chính là yêu cầu được Quốc hội đặt ra khi tổ chức Phiên giải trình, từ đó có giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán; nâng cao tính hiệu lực của hoạt động kiểm toán" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết.

z4944434230834_7639b1051747651e1a8119b5bd729c79.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đánh giá cao sự vào cuộc trách nhiệm của các đơn vị trong việc chuẩn bị cho Phiên giải trình.  Ảnh: Nguyễn Lộc

Từ góc độ địa phương, qua tiến hành rà soát tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội để chuẩn bị cho Phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố đã nhận diện 14 nguyên nhân dẫn đến nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện. Trong đó, có một số nguyên nhân lớn như: Nhà thầu chưa thống nhất được với chủ đầu tư về thực hiện kiến nghị kiểm toán; dự án đang trong giai đoạn triển khai chưa quyết toán hoàn thành nên chưa thực hiện; doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, “nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là sự thiếu quyết tâm, quyết liệt của đơn vị được kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa được quan tâm đúng mức” - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Trực tiếp tham gia Đoàn khảo sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó, có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.

Nhấn mạnh việc các đơn vị được kiểm toán không thực hiện một cách quyết liệt, triệt để là yếu tố chính khiến các kết luận, kiến nghị chưa được thực thi, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra, trong một số trường hợp kiến nghị của KTNN chưa đảm bảo chặt chẽ. Điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán “vin” vào để không thực hiện kiến nghị đó, thậm chí không thực hiện cả những kiến nghị khác.

“Khi KTNN đưa ra kiến nghị là hoàn toàn đúng pháp luật song quá trình tổ chức triển khai thực hiện lại vướng ở chính sách pháp luật khác. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm từ cả hệ thống của chúng ta trong việc hoàn thiện chính sách luật pháp” - ông Lâm bày tỏ.

Những nguyên nhân khiến kết luận, kiến nghị kiểm toán tồn đọng kéo dài đã được KTNN lượng hóa một cách có hệ thống trên cơ sở phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đơn vị được kiểm toán. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nêu rõ, qua rà soát, phân tích đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/3/2023 là 108.180,2 tỷ đồng (trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN là 45.552 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là các khoản kiến nghị hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán theo quy định). KTNN đã phân loại 04 nhóm nguyên nhân và trách nhiệm chưa thực hiện kiến nghị, với 15 nguyên nhân cụ thể.

120920230859-z4685274129097_2ee8fd22175aaa0718fcf88adf61886b-1-.jpg

Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,28%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 14,3 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 24,9%.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ

Đối với nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách, nguyên nhân chưa thực hiện chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải chờ để sửa đổi đồng bộ cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị do đơn vị chưa báo cáo tình hình thực hiện nên KTNN chưa nắm bắt được kết quả thực hiện; trong khi đó, trước năm 2023, Chính phủ chưa có một đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.

Hàng loạt kiến nghị kiểm toán được thực hiện ngay trong quá trình rà soát

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương cho thấy, thời gian vừa qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng sau khi Ủy ban Tài chính, Ngân sách ban hành Kế hoạch tổ chức Phiên giải trình, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện tăng lên đáng kể. Trong đó, nhiều kết luận, kiến nghị tồn đọng nhiều năm trước cũng được quan tâm thực hiện.

Năm 2022, số lượng kết luận, kiến nghị của KTNN được thực hiện có mức tăng cao (tăng 13% so với năm 2021); trong 6 tháng đầu năm 2023, các kết luận, kiến nghị của KTNN được triển khai tới hơn 60%, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, quá trình Ủy ban Tài chính, Ngân sách chuẩn bị thực hiện Phiên giải trình này đã tạo ra sự đốc thúc lớn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chấp hành tốt hơn việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố thường xuyên đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Kết quả điển hình như niên độ ngân sách năm 2021, tỷ lệ thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác đạt 90%, chỉ sau khoảng 01 năm, kể từ khi báo cáo kiểm toán được phát hành.

Cùng với việc quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán, cũng như rút ra bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo Thành phố cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kiến nghị tồn đọng.

z4944429557849_b77dbd9e89da8a4785ac72236f50c66c.jpg

Chỉ trong vòng 4 tháng chuẩn bị cho Phiên giải trình, các đơn vị thực hiện thêm được 53,3% số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác và 61,5% số kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, kiểm điểm trách nhiệm, vốn tồn đọng kéo dài trong nhiều năm trướcÔng Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Sự vào cuộc quyết liệt này đã mang lại kết quả tích cực, khi lượng lớn kiến nghị được thực hiện chỉ sau một thời gian ngắn. Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2023, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện được của Thành phố là 19.983 tỷ đồng và 26 kiến nghị cơ chế, chính sách, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm. Đến thời điểm 31/7/2023, các đơn vị được kiểm toán của Thành phố đã triển khai thực hiện thêm được 10.579 tỷ đồng; thực hiện được 16/26 kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách và kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Lãnh đạo Thành phố nhìn nhận, những kết quả đột phá này có sự tác động không nhỏ từ Phiên giải trình, sự đôn đốc sát sao từ Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng như của KTNN trong vai trò đồng hành, hỗ trợ địa phương thông qua hoạt động kiểm toán và kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Thực tế vừa qua, khi Ủy ban Tài chính, Ngân sách có kế hoạch tổ chức Phiên giải trình, gửi văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương thì các đơn vị mới bắt đầu rốt ráo tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán. Kết quả nổi bật là qua mấy tháng vừa rồi, có những đơn vị, chỉ trong vòng một tháng, 1/3 giá trị số kiến nghị kiểm toán đã được triển khai thực hiện. Điều đó cũng để thấy rằng, cơ quan kiểm toán cần có giải pháp quyết liệt, trách nhiệm hơn trong đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

TÔng Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Còn theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) Vũ Ngọc Tuấn, tác động của Phiên giải trình đối với các bên là rất lớn. Đây có thể coi như một cuộc tổng rà soát nhằm đánh giá toàn bộ các kiến nghị kiểm toán tồn đọng từ hơn 10 năm cho đến nay. Đặc biệt, qua rà soát, nhiều đơn vị kiểm toán đã chủ động thực hiện các kiến nghị tưởng như bị “lãng quên”.

Bài cuối: Thống nhất nhận thức, chung tay hành động

Cùng chuyên mục
Giải trình việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán: Minh bạch và Trách nhiệm - Bài 4: Tạo bước chuyển biến đột phá trong thực hiện kiến nghị kiểm toán