Bài 5: Quyết liệt rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

(BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt rà soát toàn bộ kiến nghị còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện và kịp thời có giải pháp xử lý.

pct-nguyen-duc-hai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc chuẩn bị tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị KTNN đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021” tại trụ sở KTNN ngày 03/8. Ảnh: Tư liệu

Quyết liệt từ chủ trương…

Việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là một khâu trong quy trình kiểm toán và được thực hiện theo quy định của Luật KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, trong hoạt động kiểm toán, công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán là một giai đoạn rất cần thiết. Bởi kết quả của giai đoạn này là một trong những thước đo tính hiệu lực, hiệu quả và trên hết thể hiện tác động thực tế của một cuộc kiểm toán.

Do đó, KTNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm toán thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Điển hình như tại Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tập trung công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Đồng thời “rà soát toàn bộ các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện, nhất là kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán” - Kế hoạch nêu rõ.

Giá trị của báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán hợp pháp, hợp lý và được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; được sự đồng thuận của các đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn 

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đồng thời, tổ chức theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán bảo đảm tổng hợp đầy đủ, chi tiết danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán; nguyên nhân chưa thực hiện đối với các nhóm kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị kiểm điểm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản để công khai theo yêu cầu tại Nghị quyết số 53/2022/QH15.

Cùng với đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

anh-nguyen-loc.jpg
Kiểm toán viên nhà nước làm việc tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Lộc

… đến triển khai thực hiện

Thực hiện các chỉ đạo trên, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đơn cử, KTNN chuyên ngành VII đã làm việc với KTNN khu vực III để phối hợp đôn đốc, theo dõi thực hiện kiến nghị tại Bình Định và Đà Nẵng. Đồng thời, KTNN chuyên ngành VII cũng làm việc với KTNN chuyên ngành VI để rà soát, xử lý kiến nghị còn trùng lặp trong theo dõi kiến nghị giữa 2 đơn vị...

Hay tại KTNN chuyên ngành IV, Kiểm toán trưởng Vũ Thanh Hải cho biết, đơn vị đã rà soát, tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán (giai đoạn 2015-2021), đặc biệt là những kiến nghị còn có ý kiến khác của đơn vị được kiểm toán cũng như các kiến nghị tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước.

Đồng thời, KTNN chuyên ngành IV làm việc với các đơn vị được kiểm toán và đơn vị có liên quan để xác định rõ nguyên nhân chậm thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trên cơ sở đó, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo KTNN và đề xuất hướng xử lý đối với các kiến nghị kiểm toán khó thực hiện, kéo dài.

Các KTNN khu vực cũng đã làm việc với đơn vị được kiểm toán để cập nhật tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. KTNN khu vực XI đang tiếp tục kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với các địa phương, đơn vị chưa thực hiện; hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy định về kiểm điểm trách nhiệm, cung cấp bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán…

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo KTNN, đơn vị đã làm việc với các địa phương và đơn vị được kiểm toán khác để rà soát, phân loại các kiến nghị còn tồn đọng. Đây là các kiến nghị kéo dài qua nhiều năm chưa thực hiện, nhiều đối tượng liên quan đến kiến nghị hiện nay cũng không còn tồn tại để làm rõ nguyên nhân chưa thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý…

Từ góc độ đơn vị được kiểm toán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung cho biết: Ngay sau khi cuộc kiểm toán kết thúc, địa phương thường xuyên phối hợp với đơn vị kiểm toán của KTNN rà soát, thực hiện kết luận, kiến nghị tồn đọng từ các năm trước. Đơn cử như kiến nghị của KTNN về việc xem xét quy định về giá đất xây dựng công trình sự nghiệp tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh để sửa đổi phù hợp với mục đích và thời gian sử dụng đất. Sau khi xem xét, UBND tỉnh đã điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thay thế quy định trước đó…

Hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng, có chế tài xử lý đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện; phối hợp với KTNN rà soát, thống nhất các kiến nghị còn chưa thực hiện… - Bộ Tài chính.

Kiến nghị kiểm toán tồn đọng, do đâu?

Với sự nỗ lực của KTNN và sự phối hợp của các đơn vị được kiểm toán, kết quả rà soát, đôn đốc cho thấy, còn không ít kết luận, kiến nghị, đặc biệt là việc thực hiện nhóm kiến nghị cơ chế chính sách chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời do những nguyên nhân, thách thức từ cả đơn vị được kiểm toán, KTNN, các bên liên quan cũng như quy định pháp lý…

Điển hình như, đối với nhóm kiến nghị cơ chế chính sách của KTNN về niên độ NSNN năm 2019 trở về trước thực hiện trong năm 2022, đến ngày 31/3/2023, còn 331 kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện.

Theo KTNN, nguyên nhân chưa thực hiện đối với nhóm kiến nghị này chủ yếu là do quá trình sửa đổi, thay thế hoặc bổ sung liên quan đến cơ chế, chính sách thường mất nhiều thời gian hoặc phải đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kết quả rà soát, phân tích của KTNN đối với các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến ngày 31/3/2023 cho thấy: Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán chiếm 56%; nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN chiếm 2,1%; nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 chiếm 15,7 %; nhóm nguyên nhân khác chiếm 26,2%.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng: Mặc dù kiến nghị kiểm toán đúng theo quy định tại thời điểm kiểm toán nhưng đến nay, có những kiến nghị kiểm toán đã qua 2 thời kỳ ổn định ngân sách và qua 2 lần sửa đổi các luật liên quan nên đơn vị khó thực hiện, dẫn đến việc tồn đọng kiến nghị kiểm toán về cơ chế chính sách.

Đáng nói, theo ông Lê Đình Thăng, khoản 1 Điều 7 Luật KTNN quy định: “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 68 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN bằng văn bản và có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN, gửi báo cáo kết quả thực hiện cho KTNN”. Đây là nhóm kiến nghị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Mặt khác, khoản 2 Điều 7 quy định: Báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trong trường hợp này, các kiến nghị của KTNN không có giá trị bắt buộc thực hiện mà kiến nghị kiểm toán chỉ là căn cứ để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Tuy nhiên, 2 nhóm kiến nghị này đang được KTNN “gom” chung vào nhóm kiến nghị về cơ chế chính sách nên số kiến nghị này còn tồn đọng lớn.

Vì vậy, cần phân định rõ 2 nhóm kiến nghị này (nhóm kiến nghị bắt buộc thực hiện và Nhóm kiến nghị sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có giá trị tham khảo). Khi đó, KTNN sẽ loại trừ được nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách đang tồn đọng.

Từ thực tiễn công tác kiểm toán, đại diện KTNN chuyên ngành IV cũng chỉ ra, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với nhiều dự án ODA gặp khó khăn do các dự án này làm việc theo cơ chế hợp đồng. Khi hết hợp đồng, nhà thầu nước ngoài đã về nước và hiện không có cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong việc phải thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Trực tiếp tham gia Đoàn khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết: Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó, có nhóm nguyên nhân thuộc về khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.

Về nguyên nhân chủ quan, ông Lâm phân tích, trước hết là nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán đã không thực hiện một cách quyết liệt, triệt để.

Thực tế vừa qua, khi Ủy ban Tài chính - Ngân sách có kế hoạch để tổ chức phiên giải trình, gửi văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương, các ngành, các đơn vị mới bắt đầu rốt ráo tổ chức thực hiện. Kết quả nổi bật là qua mấy tháng vừa rồi đã có những đơn vị, chỉ trong vòng một tháng, 1/3 giá trị số kiến nghị kiểm toán đã được triển khai thực hiện. Điều đó cũng để thấy rằng, cơ quan kiểm toán cần có giải pháp quyết liệt, trách nhiệm hơn trong đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Thực tế cho thấy, có rất nhiều các kiến nghị chính sách. Tuy nhiên, việc thực hiện của các cơ quan có liên quan còn hạn chế, không đến nơi đến chốn để giải quyết các vấn đề này.

Ở chiều ngược lại, ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra, một số trường hợp kiến nghị của KTNN chưa đảm bảo chặt chẽ, điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán “vin” vào để không thực hiện kiến nghị đó, thậm chí không thực hiện cả những kiến nghị khác. 

Một nguyên nhân nữa được ông Trần Văn Lâm chỉ ra là hệ thống chính sách, pháp luật còn bất cập, có những vấn đề chưa thực sự rõ ràng.

“Khi KTNN đưa ra kiến nghị là hoàn toàn đúng pháp luật song quá trình tổ chức triển khai thực hiện lại vướng ở chính sách pháp luật khác. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm từ cả hệ thống của chúng ta trong việc hoàn thiện chính sách luật pháp” - ông Lâm nhấn mạnh.

Những phân tích nêu trên cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tồn đọng kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là nhóm kiến nghị về cơ chế chính sách cần được cơ quan chức năng xem xét thấu đáo để có quyết định hợp tình, hợp lý và xử lý dứt điểm...

(Còn tiếp)

Cùng chuyên mục
Bài 5: Quyết liệt rà soát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán