Tại cuộc họp Hội đồng chuyên gia về “Chứng cứ Kinh tế Y tế trong quản lý Hen và Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những giải pháp quản lý bệnh nhân Hen và COPD một cách hiệu quả trong cộng đồng, thông qua việc đánh giá kinh tế y tế cũng như tác động ngân sách trong viêc triển khai đơn vị quản lý Hen và COPD tại tuyến y tế cơ sở.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: “Với sự thay đổi mô hình bệnh tật của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh Hen và COPD, chi phí về chăm sóc y tế, đặc biệt là chi phí điều trị gia tăng nhanh chóng, là mối lo ngại ngày càng lớn đối với Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.
Điều trị duy trì ổn định bệnh Hen và COPD tại tuyến y tế cơ sở giúp giảm chi phí điều trị- Ảnh: ST
Do đó, việc sử dụng thuốc điều trị như thế nào để đạt chi phí, hiệu quả luôn là vấn đề quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia lâm sàng. Hội thảo là một diễn đàn hữu ích để các nhà quản lý và nhà chuyên môn tìm ra hướng đi, giải pháp bền vững, giúp bệnh nhân Hen và COPD được gia tăng tiếp cận với thuốc điều trị duy trì, giúp kiểm soát bệnh một cách hiệu quả nhất, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT trong giai đoạn hiện nay.
Từ kinh nghiệm chuyên môn, PGS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen và Dị ứng miễn dịch lâm sàng TP.HCM chia sẻ: Điều trị ngoại trú Hen và COPD ở giai đoạn ổn định để tránh đợt cấp là giải pháp có hiệu quả cao. “Chi phí trực tiếp để điều trị duy trì bệnh nhân bị COPD giai đoạn ổn định trong vòng một năm chỉ mất 22 triệu đồng so với 220 triệu đồng là chi phí cần chi trả cho bệnh nhân phải điều trị đợt cấp. Nghĩa là có thể giúp giảm 90% chi phí nếu chúng ta điều trị bệnh nhân COPD ở giai đoạn ổn định. Con số này cũng đạt được tương tự đối với điều trị duy trì bệnh nhân Hen. Do đó, để giảm gánh nặng đợt cấp Hen và COPD, giải pháp kinh tế nhất là xây dựng Đơn vị Quản lý Hen-COPD ngoại trú đạt chuẩn tại tuyến quận, huyện” - PGS. Lê Thị Tuyết Lan nói.
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do Hen và COPD cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen suyễn, nhưng chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen suyễn. Trong khi đó, tỷ lệ mắc COPD khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và 37,5% người mắc COPD trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Làm rõ thêm vấn đề này, ThS,BS. Trương Lê Vân Ngọc (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) nhấn mạnh: Việc thiết lập các đơn vị quản lý Hen và COPD thống nhất, chuẩn hóa mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng cường tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng, giúp giảm biến chứng, tăng cường chất lượng sống, giảm chi phí. Để thực hiện tốt điều này, cần sự chỉ đạo mạnh mẽ, phối hợp của cơ quan quản lý quản lý (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam), các Hội chuyên ngành, các cơ sở khám, chữa bệnh, các cán bộ y tế và sự tham gia của người bệnh.
PGS.TS. Phạm Huy Tuấn Kiệt, Trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Đại học Y Hà Nội thì cho rằng, từ nghiên cứu về hành vi khám chữa bệnh ở Việt Nam cho thấy: chỉ có 5% được chẩn đoán và điều trị đúng cách, 29% đi khám bác sĩ, 43% tự mua thuốc hay theo toa cũ. Có đến 89% không được điều trị dự phòng. Do đó, việc phát hiện sớm và quản lý bệnh Hen và COPD tại cộng đồng cũng là một can thiệp kỳ vọng có tính hiệu quả.
Từ năm 2015, việc phòng, kiểm soát Hen và COPD đã được đưa vào Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm 2015 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế trong lĩnh vực này. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát Hen và COPD theo hướng dẫn, tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát Hen và COPD. |
N. KIM