Giảm học phí, nhiều trường chia sẻ khó khăn với người học, ghi điểm với thí sinh

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến sinh kế và thu nhập của nhiều gia đình học sinh, sinh viên, nhiều trường đại học (ĐH) đã có những hình thức hỗ trợ và cam kết hỗ trợ thiết thực dành cho người học, từ đó giúp người học yên tâm, tin tưởng và tiếp tục gắn bó với trường.



Hỗ trợ tài chính cho người học

Dịch bệnh đã khiến cho rất nhiều sinh viên lâm vào tình cảnh khó khăn, không đủ trang thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến, nhất là với những sinh viên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trước tình hình này, nhiều trường ĐH tại Hà Nội đã triển khai các phương án hỗ trợ sinh viên như cung cấp trang thiết bị, giảm học phí...
                
   

Nhiều trường có chính sách hỗ trợ tài chính cho người học và sử dụng chính sách này để thu hút thí sinh nhập học vào trường

   

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Truyền thông ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, Trường quyết định hỗ trợ tài chính cho sinh viên của trường có khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Số tiền hỗ trợ được thực hiện dưới hình thức giảm học phí cho sinh viên từ học kỳ 2 của năm học 2019-2020, với mức giảm 10% cho tất cả các ngành học. Tổng số tiền hỗ trợ tài chính cho sinh viên là 12 tỷ đồng. “Năm nay, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhà trường cũng sẽ đồng hành, chia sẻ khó khăn với người học để cùng nhau vượt qua đại dịch” – ông Long cho biết.

Còn theo PGS,TS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2020, toàn trường có gần 6.000 sinh viên được xét hỗ trợ giảm học phí từ 25-50%. Sự hỗ trợ này không cào bằng mà xét trên từng đối tượng sinh viên cụ thể. Năm nay, do đang thực hiện dạy và học trực tuyến nên Trường chưa thu học phí, nhưng vẫn giữ chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tương tự, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát năm 2020, Trường ĐH Xây dựng đã quyết định dành ra 5 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên, số tiền này được lấy từ nguồn thu dịch vụ, tiết kiệm các chi phí hội nghị, công tác để triển khai gói hỗ trợ tài chính cho gần 18.000 sinh viên đang theo học tại Trường. Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ lùi thời hạn thu học phí căn cứ theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Cam kết hỗ trợ trước mùa tuyển sinh

Chỉ còn nửa tháng nữa, hơn 1 triệu thí sinh, trong đó chủ yếu là học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), xét tuyển ĐH năm 2021.

Trong khi người học đang bước vào giai đoạn nước rút để ôn tập, sẵn sàng cho kỳ thi, nhiều trường ĐH cũng khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án tuyển sinh dự phòng, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc để sẵn sàng thu hút người học vào trường. Bên cạnh những chính sách hấp dẫn được thông tin đến thí sinh từ rất sớm, do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, nhiều trường tiếp tục đưa ra các cam kết hỗ trợ cho thí sinh sau khi nhập học vào trường.
                
   

Các chính sách hỗ trợ tài chính cho người học được đưa ra nhằm giúp giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, người học do ảnh hưởng của dịch bệnh

   

Nhằm chia sẻ khó khăn chung của toàn xã hội, đặc biệt là người học trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã quyết định không tăng học phí trong năm học 2021-2022. Học phí dự kiến với sinh viên chính quy là 14,3 triệu đồng/năm.

Còn tại Trường ĐH Thành Đông, bên cạnh chính sách không thu lệ phí tuyển sinh và nhiều tiện ích khác để hỗ trợ thí sinh, Trường còn cam kết miễn phí ở kí túc xá đối với thí sinh ở xa, miễn giảm học phí cho thí sinh sau khi nhập học do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Năm học 2021-2022, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ dành khoảng 60 tỷ đồng tiền cấp học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Đây là nguồn động viên để sinh viên phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong học tập.

Việc giảm học phí cũng đang được nhiều trường áp dụng, như một phương thức để cạnh tranh tuyển sinh. Năm học 2020-2021, Trường ĐH Duy Tân cũng thực hiện giảm học phí với hầu hết các ngành đào tạo của nhà trường, mức giảm từ 2,2 - 3 triệu đồng tùy từng ngành. Việc giảm học phí là nhằm hỗ trợ người học dưới tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm học 2021-2022, nhà trường đang cân nhắc tiếp tục duy trì chính sách này.

Trước đó, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH không tăng học phí trong năm học 2021-2022.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD&ĐT, cho biết, các trường ĐH công lập tự chủ thì thực hiện theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt cho từng trường. Các trường ĐH ngoài công lập (dân lập, tư thục) thì được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo; nhà nước không quy định khung, mức trần học phí với loại hình trường này. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với người học, Bộ GD&ĐT đã chủ động đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người học, trong đó có việc đề nghị các trường không tăng học phí trong năm học tới…

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Giảm học phí, nhiều trường chia sẻ khó khăn với người học, ghi điểm với thí sinh