Giảm lãi suất xuống mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp

(BKTO) - Giảm lãi suất cho vay là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp (DN) gửi đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như các ngân hàng thương mại gần đây. Các chuyên gia cũng cho rằng, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN là cần thiết, thế nhưng, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, ngành ngân hàng cần tính toán để có mức giảm hợp lý, đảm bảo hài hòa các mục tiêu.

14.jpg

Doanh nghiệp “ngóng” giảm lãi suất cho vay

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ DN và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, Thủ tướng cũng đã yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Như vậy, có thể thấy, đây là nhiệm vụ quan trọng mà ngành ngân hàng phải nỗ lực thực hiện để góp phần hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế.

Giảm lãi suất cho vay - đó không chỉ là “mệnh lệnh” của người đứng đầu Chính phủ mà còn là mong mỏi được nhiều DN bày tỏ tại các hội nghị, tọa đàm gần đây. Đại diện cho các DN xuất khẩu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - ông Trần Việt Anh - mong muốn được giảm lãi vay với lý do: Nhiều DN có hạn mức tín dụng nhưng không dám đăng ký giải ngân vì với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí DN “đội” lên.

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) - quan ngại, lãi suất từ cuối năm ngoái tăng khá nhanh, có khoản vay, lãi suất đã tăng gần 30%. Nếu mức tăng này tiếp tục duy trì thì dự án đang ở mức lãi suất cũ sẽ thành lỗ ở mức lãi suất mới. Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, NHNN và các ngân hàng cần có biện pháp kéo giảm lãi suất dài hạn xuống và xác định rõ lộ trình trong 6 tháng tới bởi nếu lãi suất dài hạn trên 10%/năm thì DN khó có thể đầu tư, kinh doanh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất dù đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng vẫn ở mức cao. PGS,TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhìn nhận, lãi suất cao khiến DN “khó sống”, nhất là trong điều kiện những bất ổn của nền kinh tế vẫn tiềm ẩn và sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính, ngân hàng - nhận định: Năm 2023, thách thức lớn đối với nền kinh tế là lãi suất đang đứng trên đỉnh của thế giới, trong khi lạm phát của Việt Nam và việc mất giá của VND so với USD thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Nói đến lãi suất là phải tính đến lãi suất thực, sau khi đã trừ đi lạm phát. Lãi suất thực ở nước ta hiện đang cao hơn rất nhiều so với lãi suất thực của Mỹ và châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc các DN Việt Nam đang gặp nhiều áp lực trong kinh doanh.

Cân nhắc mức giảm lãi vay phù hợp

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ trong năm 2023 chính là phải nghiên cứu để giảm lãi suất xuống mức hợp lý, tăng trưởng tín dụng cũng ở mức hợp lý, đảm bảo ổn định tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Muốn giảm lãi suất để hỗ trợ DN, cần hiểu tại sao lãi suất tăng? Thực tế, lãi suất tăng là do cung tiền giảm, còn hạn mức tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để khống chế tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, để các đơn vị này đưa ra thị trường một mức cung tiền cố định. Do đó, năm 2023, NHNN cần chủ động tính toán lại khối lượng tiền cung ứng, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế.

Trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành với DN, người dân vượt qua khó khăn.

Còn theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, vẫn còn dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay. Đó là, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỷ đồng) bởi gói này mới giải ngân chưa đáng kể. Điều này sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay.

Giảm lãi suất là yêu cầu bắt buộc để hỗ trợ DN trong giai đoạn phục hồi bởi nếu mức lãi suất cho vay cao thì DN sẽ gặp khó khăn, thậm chí tạo nợ xấu cho ngân hàng. Từ nhận định này, TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) khuyến nghị, đây là thời điểm mà các ngân hàng thương mại nên tính toán, cân đối mức giảm lãi suất. “Tuy nhiên, việc giảm lãi suất toàn hệ thống ngân hàng đòi hỏi điều kiện thuận lợi của những yếu tố vĩ mô như tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán thặng dư và phải chờ tín hiệu thị trường cho phép chứ không nên hạ lãi suất bằng mọi giá, như vậy sẽ gây hậu quả khôn lường” - TS. Nguyễn Hữu Huân lưu ý.

Sau khi lãi suất huy động hạ nhiệt, một loạt ngân hàng khác đã công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến 0,5-2%/năm cùng các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cũng cho rằng, các ngân hàng rất muốn giảm thêm lãi suất cho vay vì lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nguy cơ nợ xấu. Tuy vậy, mức độ giảm lãi vay cần được tính toán kỹ, tùy thuộc vào mức giảm lãi suất huy động cũng như đặt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới./.

Cùng chuyên mục
Giảm lãi suất xuống mức hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp