Đây là đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch (Dự thảo).
Theo VCCI, việc dự kiến giảm 80%mức ký quỹ sẽ tạo thuận lợi cho các DN lữ hành - Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo VCCI, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi có sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách và doanh thu trong năm 2020. Số lượng DN lữ hành rút lui khỏi thị trường khá lớn (khoảng 30% trong tổng số DN đã được cấp phép), những DN còn giấy phép thì hoạt động cầm chừng và lâm vào tình trạng rất khó khăn.
“Do đó, Dự thảo sửa đổi quy định về ký quỹ theo hướng giảm 80% mức ký quỹ ở tất cả các dịch vụ lữ hành (nội địa, quốc tế) là hết sức cần thiết, nhằm giảm bớt khó khăn cho DN”, VCCI đánh giá.
Tuy nhiên, để thực sự hỗ trợ DN, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm một số vấn đề.
Cụ thể, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định, đối với DN tạm ngừng kinh doanh dịch vụ lữ hành thì trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, DN có thể được rút tiền ký quỹ (trong trường hợp DN không muốn chấm dứt hoạt động kinh doanh và bị thu hồi giấy phép).
Theo đó, để vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho DN, Dự thảo cần quy định trình tự, thủ tục để DN tạm ngừng kinh doanh. Chẳng hạn như: DN gửi thông báo tới cơ quan cấp phép về việc tạm ngừng kinh doanh, cơ quan cấp phép sẽ cấp văn bản xác nhận việc DN tạm ngừng kinh doanh, văn bản này sẽ là căn cứ để DN thực hiện rút tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại. Thông tin tạm ngừng kinh doanh sẽ được công khai trên website của cơ quan cấp phép và của DN, khi hết thời gian tạm ngừng kinh doanh, DN sẽ phải nộp đủ tiền ký quỹ, chứng minh đã nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định và tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh.
“Việc thiết kế quy định về tạm ngừng kinh doanh vừa cho phép DN rút tiền ký quỹ trong thời gian không hoạt động, vừa không phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép khi quay trở lại hoạt động, cơ quan nhà nước cũng có thể kiểm soát được hoạt động của DN thông qua việc công khai thông tin DN tạm ngừng kinh doanh”, VCCI đánh giá.
Đối với DN vẫn hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, theo VCCI, việc giảm mức tiền ký quỹ sẽ hỗ trợ phần nào cho DN về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, Dự thảo mới chỉ quy định về mức ký quỹ mới nhưng không sửa các quy định có liên quan khiến cho việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn.
Ví dụ, với việc giảm mức tiền ký quỹ theo quy định tại Dự thảo thì các DN hiện tại đang ký quỹ theo mức quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP có được được rút tiền ký quỹ tại ngân hàng không? Quy định này phải cho phép áp dụng đối với các DN đang kinh doanh dịch vụ lữ hành thì mới có hiệu quả hỗ trợ DN.
“Vì vậy, Dự thảo cần bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, căn cứ để các DN có thể rút tiền ký quỹ tại các ngân hàng, bởi vì Nghị định 168/2017/NĐ-CP đang không quy định giải quyết cho trường hợp đặc biệt này”, VCCI góp ý./.
THIỆN TRẦN